Tạo môi trường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng AI

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, các đơn vị tạo môi trường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng AI nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 18/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Trí tuệ nhân tạo - GenAI Summit 2024 với chủ đề “Chân trời mới.”

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google, cho biết Gemini 1.5 Pro (hạ tầng AI cách mạng của Google) đã xuất sắc trong việc xử lý các ngữ cảnh dữ liệu rộng lớn bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh và video. Theo đó, nếu trong giai đoạn đầu, máy tính được sử dụng để mã hóa và chuyển đổi từ văn bản, hình ảnh sang định dạng mà máy tính có thể hiểu và diễn tả cho người dùng thì trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển bùng nổ của mô hình ngôn ngữ lớn, những yêu cầu của người dùng được chuyển đổi thành hình ảnh, âm thanh mà người dùng muốn sử dụng, ngược lại với giai đoạn trước đây.

Bên cạnh việc chuyển đổi ngược, mô hình ngôn ngữ lớn cũng tăng độ chính xác về xử lý dữ liệu và giảm mức độ lỗi khi chuyển đổi từ giọng nói sang văn bản từ 13,25% về 2,5%. Về khả năng xử lý dữ liệu lớn của mô hình ngôn ngữ lớn, ông Jeff Dean cho hay, công ty liên tục cải thiện Google dịch khi không chỉ dịch từ mà còn dự đoán được từ tiếp theo.

Hiện, Google dịch bên cạnh việc dịch còn có thể áp dụng cho các cuộc hội thoại, máy tính sẽ dự báo câu tiếp theo cho người dùng với độ chính xác ngày một cao. “Mô hình ngôn ngữ lớn giúp con người có thể chuyển dữ liệu lớn từ văn bản hàng trăm trang, video dài để tạo ra văn bản giúp ích cho người khiếm thính, người không biết chữ có thể xem được nội dung… Đây cũng là điều mà 10 năm trước đây không ai nghĩ máy tính sẽ làm được,” Giám đốc Khoa học của Google nói.

Tuy nhiên, theo ông Jeff Dean, mặc dù AI có nhiều lợi ích trong cuộc sống nhưng vẫn có những rủi ro. Trong đó, AI là công cụ hữu ích khi sử dụng đúng đắn, nếu áp dụng và đưa ra một số thành kiến sẽ dẫn tới việc truyền tải các thông tin không trung thực, thông tin sai. Vì vậy, các mô hình AI cần phải xây dựng theo nguyên tắc cộng đồng, tránh thành kiến khi xây dựng, và suy nghĩ làm sao thúc đẩy sử dụng AI có đạo đức, an toàn.

Ông Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Là doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng AI vào điều hành Tập đoàn, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị sáng lập Tập đoàn Sovico cho biết, AI là trọng tâm đổi mới sáng tạo mà Tập đoàn đang theo đuổi. Trong đó có các ứng dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh, việc ứng dụng các công nghệ sẽ thúc đẩy cải thiện cuộc sống và AI hiện đang được áp dụng ở nhiều hoạt động kinh doanh của Tập đoàn như bảo trì vận hành, tối ưu hóa kinh doanh, hỗ trợ khách hàng check-in mua vé máy bay, quản lý đội tàu, kiểm tra các mặt kỹ thuật...

Sức mạnh của AI không chỉ liên quan tới vận hành trong kinh doanh mà còn kết nối lâu dài với các bên liên quan, gia tăng tương tác với khách hàng và tăng sự trung thành của khách hàng.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tại Việt Nam, Chính phủ nhận thức rõ tầm quan trọng của AI và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Bộ đang trình Chính phủ xây dựng “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050” với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị cần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép nhiều nội dung phát triển khoa học công nghệ vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể, Bộ giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp AI, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI.

Mục tiêu là đến năm 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục