Tạo môi trường thuận lợi để các loại hình kinh doanh phát triển

Nhiều đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp phát triển.
Tạo môi trường thuận lợi để các loại hình kinh doanh phát triển ảnh 1Đại biểu phát biểu thảo luận về Luật đầu tư (sửa đổi). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 20/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Luật Đầu tư (sửa đổi).

Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14, nhiều đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời, cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh cũng như tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp phát triển.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong nước

Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để tất cả loại hình doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, phải tạo một sân chơi bình đẳng trên tất cả lĩnh vực để được tiếp cận vốn, công nghệ và các chính sách tương đồng giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp Nhà nước.

Mặt khác, nên có sự bình đẳng trong kiểm soát chất lượng hàng hóa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Ngoài ra, theo tôi một vấn đề quan trọng nữa là các quy định về chống gian lận thương mại, kể cả với doanh nghiệp vốn đầu tư ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tôi cho rằng đầu tiên phải hệ thống lại cơ chế chính sách như: hệ thống pháp luật đang sửa đổi là Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư…

Điều quan trọng tiếp theo là, các cơ quan hành pháp từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước. Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự cởi mở và phát triển.

Hơn nữa, để kiểm soát khâu cấp phép đầu tư nhằm lựa chọn dự án hiệu quả, hiện nay trong luật đã có yêu cầu quyền lựa chọn. Theo đó, yêu cầu đầu tiên là dự án phải bảo vệ môi trường vì nếu không sau này sẽ khiến chúng ta bị trả giá.

Vấn đề tiếp theo là thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần đi kèm chuyển giao công nghệ tiên tiến để trên cơ sở đó tạo tích luỹ về trình độ quản lý, khoa học công nghệ nhằm phát triển doanh nghiệp trong nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Công khai, minh bạch và thực hiện đấu thầu

Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là cần thiết vì sẽ đồng bộ với các luật khác. Các sửa đổi cũng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó bãi bỏ những quy định xét thấy cần thiết.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung làm rõ một số điểm trước đây quy định chưa rõ ràng, kể cả các ngành nghề cấm kinh doanh hoặc khuyến khích đầu tư vào những ngành nghề ưu đãi. Tuy nhiên, việc ưu đãi đang khá dàn trải trong khi nguồn lực có giới hạn nên tôi cho rằng dự thảo cần quy định ưu tiên cho từng giai đoạn.

Theo tôi, việc ưu đãi này nên giao cho Chính phủ chứ không nên quy định vào luật. Ngoài ra, có những quy định khác như nếu liên quan đến thuế thì phải do Quốc hội quyết định chứ không phải do Chính phủ quyết định. 

Liên quan đến đầu tư nước ngoài, dự thảo luật cần bổ sung các quy định khuyến khích mạnh mẽ hơn thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này sẽ tạo sự thoải mái cho các nhà đầu tư, vì nếu chưa rõ ràng họ sẽ rơi vào tình trạng cân nhắc.

Hiện tại, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vẫn xảy ra việc chồng lấn, bởi đã là doanh nghiệp rồi thì được quyền hoạt động kinh doanh ngoại trừ những gì mà Nhà nước không cho phép. 

Luật Đầu tư (sửa đổi) phải làm rõ để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cảm nhận được sự rõ ràng khi quyết định đầu tư. Mặt khác, nên công bố công khai, minh bạch và thực hiện việc đấu thầu để thu hút được nhiều vốn, nguồn lực đầu tư để đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai): Tạo môi trường và chính sách thông thoáng

Theo tôi, Luật Đầu tư (sửa đổi) cần bổ sung thêm lĩnh vực cấm kinh doanh như: buôn bán bào thai, shisa, bóng cười. Tại buổi thảo luận về Luật Đầu tư (sửa đổi) hôm nay, nhiều ý kiến rất thuyết phục cần bổ sung đưa vào quy định kinh doanh hoặc cấm kinh doanh. Việc tạo môi trường và chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp rất cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

[Kiểm soát rủi ro, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư]

Do đó, cần phải có một bộ quy chuẩn để lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, có tâm. Vì khi doanh nghiệp mang tiền tới và đầu tư hầu hết phải cân nhắc và lựa chọn để đảm bảo đồng tiền được sinh lời và an toàn.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Tạo sự lan toả để doanh nghiệp phát triển

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hiện nay Việt Nam có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Đồng thời, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nhưng điều này đòi hỏi vốn lớn mà những lĩnh vực đó trong nước chưa thể nào tiếp cận được.

Tạo môi trường thuận lợi để các loại hình kinh doanh phát triển ảnh 2Đại biểu phát biểu thảo luận về Luật đầu tư (sửa đổi). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)


Vì thế, tôi nghĩ rằng, nên nhìn nhận lại cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài về chiến lược, cam kết khi triển khai các dự án và phải có sự kết nối với doanh nghiệp trong nước nhằm phát huy thế mạnh và tạo sự gắn kết.

Đơn cử như Trung Quốc, với chính sách thu hút nước ngoài nhưng cam kết phải chuyển giao công nghệ ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển giao lại cho doanh nghiệp...

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện vẫn chưa ứng dụng được điều này và đang cần thêm vốn để tạo điều kiện cho các lĩnh vực công nghệ cao. Vì thế, cần thu hút, tiếp cận các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để thực hiện việc đầu tư phát triển.

Đây là việc cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành mà Việt Nam chưa sản xuất được và cần thực hiện những cam kết ban đầu.

Tuy nhiên, cần phải cân đối trong ưu đãi đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp riêng lẻ tập trung đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhất là lĩnh vực công nghệ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục