Tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng hợp tác xã của cả nước tăng từ 18.986 hợp tác xã năm 2013 lên con số 19.569 hiện nay, thu hút trên 6,2 triệu thành viên.
Một hợp tác xã sản xuất rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Sáng 8/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án phát triển hợp tác xã tại Việt Nam (VCED) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo sơ kết triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Phát biểu tại hội thảo, bà Gaby Breton, Giám đốc dự án phát triển hợp tác xã tại Việt Nam (VCED) cho biết, các hợp tác xã (hợp tác xã) ở Việt Nam đã có những bước tiến rất quan trọng trong quá trình phát triển.

VCED sẽ cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về hợp tác xã để giúp Việt Nam có được những thông tin cập nhật đầy đủ về tình hình hợp tác xã cũng như những đóng góp của hợp tác xã Việt Nam.

Bà Gaby Breton tin tưởng những nội dung thảo luận ngày hôm nay đóng góp cho báo cáo sẽ đưa ra những chính sách góp phần cải thiện môi trường thuận lợi cho hợp tác xã phát triển.

[Hơn 900 hợp tác xã hoạt động tốt và khá ở trung du, miền núi phía Bắc]

Theo bà Mai Thị Thu Hường, Vụ hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật hợp tác xã năm 2012 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Các hợp tác xã bước đầu đã hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng. Điều này giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô hoạt động của kinh tế thành viên.

Đến nay, số lượng hợp tác xã của cả nước đã tăng từ 18.986 hợp tác xã (năm 2013) lên 19.569 hợp tác xã (tăng 583 hợp tác xã), thu hút trên 6,2 triệu thành viên. Tuy tổng số hợp tác xã tăng không nhiều nhưng hoạt động đi vào thực chất hơn. Số hợp tác xã mới thành lập hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các hợp tác xã còn có những bất cập như: đa số các hợp tác xã có ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn của các hộ xã viên rất hạn chế, khó vay vốn trung, dài hạn từ ngân hàng.

Mặt khác, các thành viên còn chưa thấy vai trò, trách nhiệm của mình đối với các hoạt động và sự sống còn của hợp tác xã. Các hợp tác xã cũng chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên với thị trường. Sự gắn kết lợi ích giữa hợp tác xã và thành viên mờ nhạt, chưa mang tinh thần hợp tác. Lợi ích kinh tế trực tiếp do hợp tác xã mang lại cho thành viên chưa nhiều.

Bên cạnh đó, việc liên kết, liên doanh giữa hợp tác xã với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với các thành viên kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao. Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, trình độ quản lý điều hành hạn chế, lúng túng trong định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hầu hết ý kiến các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về pháp luật hợp tác xã. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công tác quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã.

Đại diện một số địa phương cho rằng, cần nghiên cứu, khảo sát mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả ở các vùng, đặc biệt ở các vùng kinh tế trọng điểm. Từ đó, xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm ở các vùng đó; bố trí thích hợp nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã điểm.

Ông Phạm Văn Vũ, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội bày tỏ, cần ngay những chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã để tiếp cận nguồn vốn. Theo đó, có các chương trình, gói tín dụng cho vay đối với hợp tác xã, đặc biệt đối với những hợp tác xã tham gia vào công nghệ cao, công nghệ sạch…

Ông Trung Thành, đại diện Liên minh hợp tác xã thành phố hợp tác xã cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất, kiến nghị như nguồn kinh phí hỗ trợ cho hợp tác xã; xem xét quy định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp tác xã; hỗ trợ liên kết hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp …

Một trong những giải pháp được ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, cần mở rộng quy mô hoạt động của các hợp tác xã. Bên cạnh phương thức sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất-kinh doanh, hợp tác xã có thể liên kết kinh tế với các hợp tác xã khác cùng hoạt động trên cùng lĩnh vực, ngành nghề trên nhiều địa bàn lãnh thổ khác nhau để nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục