Tạo luồng sinh khí mới trong công tác về dân tộc thiểu số

Trong 10 năm qua, Quốc hội đã thông qua 62 luật với 196 điều, điều chỉnh các nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc thiểu số, miền núi và đầu tư cho vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xêđăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt.”

Tư tưởng, sự quan tâm, chăm lo của Người đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam trong công tác, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. 

Đồng bào các dân tộc thiểu số là máu thịt của dân tộc Việt Nam, bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thành tựu quan trọng, toàn diện của công tác dân tộc đạt được những năm qua là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; sự đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước.

Bảo đảm chính sách nhất quán, toàn diện

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ I năm 2010 đến nay, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tạo được bước chuyển biến quan trọng về nhận thức, thực sự coi đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc là vấn đề có tính chiến lược, vừa lâu dài, vừa cấp bách; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là yếu tố có tính nền tảng, đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.

Kế thừa, phát triển các quan điểm lớn của các nhiệm kỳ Đại hội trước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...”

[Đại biểu dự Đại hội các dân tộc thiểu số viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh]

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; trên cơ sở đó, ban hành Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; trong đó thống nhất chủ trương, quan điểm Nghị quyết 24-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị và đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cấp bách trong tình hình hiện nay.

Điểm nhấn quan trọng là Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn  2021-2030.

Sự kiện này là mốc son trong lịch sử công tác dân tộc, được cán bộ, đảng viên, đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt đột phá trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có 5 điều hiến định về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Trong 10 năm qua, Quốc hội đã thông qua 62 luật với 196 điều, điều chỉnh các nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc thiểu số, miền núi và đầu tư cho vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, với Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là các nghị quyết dành riêng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đến nay, có 118 nghị định, nghị quyết, quyết định liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 văn bản trực tiếp điều chỉnh chính sách dân tộc.

Cùng với những chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, còn có hai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, cùng 21 chương trình có mục tiêu nhằm tác động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lần đầu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc. Đây là khung pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện công tác dân tộc nói chung và chính sách dân tộc nói riêng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều Quyết định, Chỉ thị nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể; gắn với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có các chỉ tiêu phát triển đối với dân tộc thiểu số đến năm 2020 và năm 2025.

Cùng với các văn bản của Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội của hơn 50 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc; ban hành chính sách dân tộc đặc thù riêng trên địa bàn.

Hệ thống chính sách dân tộc đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội; phát triển nguồn nhân lực, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững quốc phòng-an ninh.

Nhờ đó, kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong 10 năm qua đã có bước phát triển quan trọng, chuyển biến tích cực, nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.

Đổi thay diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi 

Với dân số trên 140 nghìn người, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc khác nhau như: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Mường, Thái... Thực hiện các chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2014-2019, thành phố Lạng Sơn đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách dân tộc, mục tiêu là đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II.

Các đại biểu dự Đại hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lạng Sơn Nông Bích Diệp cho biết: Nhận thức rõ các hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng, vừa góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, vừa đảm bảo an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, trong những năm qua, thành phố Lạng Sơn đã quan tâm tạo điều kiện củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhất là hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Từ 19 hợp tác xã với 364 thành viên, vốn điều lệ hơn 6,6 tỷ đồng vào năm 2014, đến nay, thành phố có 33 hợp tác xã với 569 thành viên, vốn điều lệ trên 43 tỷ đồng, trong đó có 18 hợp tác xã có giám đốc và các thành viên là người dân tộc thiểu số, chủ yếu tập trung ở các xã ngoại thành.

Từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều hợp tác xã đã được hỗ trợ về vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, từ đó có chiều hướng phát triển tốt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên hợp tác xã, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Nhiều mô hình hợp tác xã nổi bật với cách làm mới như mô hình chăn nuôi kết hợp nấu rượu của Hợp tác xã Nà Sèn, mô hình trồng đào của Hợp tác xã Hoa đào Bản Cao...

Cùng với phát triển kinh tế, việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng là mục tiêu được nhiều địa phương hướng đến nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó duy trì, bảo tồn văn hóa truyền thống, tăng cường khối đoàn kết.

Triển khai Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, năm 2019, Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ tổ chức Lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô tại thị trấn Mèo Vạc.

Lễ hội có sự tham gia giao lưu của đồng bào dân tộc tại địa phương và nhân dân các huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng), với nội dung giao lưu phong phú như: trình diễn trang phục dân tộc, thêu dệt thổ cẩm, tổ chức các trò chơi dân gian của dân tộc Lô Lô...

Từ những chương trình khơi dậy nét đẹp văn hóa dân tộc đặc thù, bản sắc văn hóa của người Lô Lô ngày càng được khôi phục, gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ sau. Tình cảm giữa các dân tộc ngày càng gắn kết, người dân hăng say sản xuất, phát triển kinh tế, không vi phạm pháp luật..

Mặc dù nguồn lực còn khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương; các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn ngân sách đầu tư công, hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được tập trung xây dựng, làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn miền núi.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng đồng bộ hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.

Đến nay, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; hơn 98% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện; 100% xã, 97% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện đạt 96,7%; tất cả các xã đã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; gần 66% xã và 77% thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng...

Công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, được cả xã hội quan tâm, đồng lòng ủng hộ, đạt kết quả nổi bật. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm từ 2-3%. Các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%. Địa bàn được xác định có mức kinh tế đặc biệt khó khăn bước đầu được thu hẹp, giai đoạn 2015-2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đồng bào các dân tộc thiểu số và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, chung tay thực hiện; qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn miền núi đã có những đổi thay rõ rệt. Sau 10 năm thực hiện chương trình, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,29%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106 xã từ đặc biệt khó khăn đã phấn đấu trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện (chiếm 6%) vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục