Tạo lập mạng lưới công đoàn bảo vệ lao động di cư

Một mạng lưới liên kết vững mạnh của các tổ chức công đoàn trong khu vực ASEAN có thể bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động di cư.
Việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ cho phép lao động trong khối ASEAN có tay nghề cao tự do di chuyển.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công đoàn giữa các nước ASEAN đối với lao động di cư” diễn ra trong ba ngày 16-18/7, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ILO phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki cho biết: "Lao động di cư đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của nước tiếp nhận và lượng kiều hối họ gửi về nhà góp phần phát triển kinh tế của quốc gia quê hương họ, nhưng họ thường nhận được rất ít sự bảo vệ và quyền lợi".
 
Theo ông Gyorgy Sziraczki, di cư lao động quốc tế là một "hiện tượng không thể tránh khỏi" trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Vì vậy, các tổ chức công đoàn, với vai trò một tổ chức đấu tranh cho công bằng xã hội và quyền con người, cần phải tiến hành các biện pháp tích cực nhất nhằm đảm bảo di cư an toàn và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Đánh giá về tầm quan trọng của công đoàn đối với lao động di cư, chuyên viên cao cấp ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các hoạt động của người lao động, ông Pong-Sul Ahn cho rằng sự hợp tác giữa các tổ chức công đoàn của cả nước gửi và tiếp nhận lao động đóng một vai trò quan trọng trong trao đổi thông tin và hỗ trợ việc bảo vệ các quyền của người lao động di cư.
 
"Bảo vệ quyền lợi của lao động di cư cũng là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong nước và tránh tình huống lao động di cư quốc tế và lao động trong nước cạnh tranh lẫn nhau,” ông Pong-Sul Ahn nói.

Theo ông Pong-Sul Ahn, di cư lao động quốc tế cần phải được quản lý dựa trên quyền của người lao động trong các công ước quốc tế và luật pháp quốc gia. Các quyền của lao động di cư cần được bảo vệ bất kể người lao động ở tình trạng có giấy tờ hay không có giấy tờ hợp pháp.
 
Nhấn mạnh đến vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ lao động di cư quốc tế, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng một mạng lưới liên kết vững mạnh của các tổ chức công đoàn trong khu vực có thể hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích của lao động di cư.

[Bảo đảm quản lý tốt lao động Việt Nam tại nước ngoài]

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 80.000 lao động đi ra nước ngoài làm việc. Hiện nay, có khoảng 500.000 lao động đang làm việc hợp pháp ở hơn 40 quốc gia. Dự kiến trong năm 2013, họ sẽ gửi về lượng kiều hối khoảng 1,8-2 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào, trẻ, cần cù nhưng lại chưa có đủ việc làm bền vững cho họ. Trong bối cảnh đó, việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc là một chiến lược dài hạn.

“Việt Nam coi đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là một trong những chiến lược quốc gia và điều đó đòi hỏi các tổ chức công đoàn không chỉ trong nước mà cả quốc tế nỗ lực liên kết với nhau nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của lao động di cư,” ông Bình nhấn mạnh.

Với sự tham gia của các lãnh đạo công đoàn đến từ Bangladesd, Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Thái Lan và Việt Nam, hội thảo lần này là cơ hội để đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về vai trò của công đoàn trong quá trình xây dựng chính sách di cư, xây dựng thỏa thuận giữa các tổ chức công đoàn của nước phái cử và tiếp nhận lao động di cư, các chiến lược của công đoàn trong khu vực nhằm đảm bảo di cư an toàn./.

ILO ước tính trong số 105 triệu lao động di cư quốc tế trên thế giới có khoảng 30 triệu lao động xuất thân từ châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, khoảng 14 triệu lao động di cư từ các nước ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và 6 triệu lao động làm việc ngay tại khu vực này, chủ yếu ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Brunei./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục