Tạo khuôn khổ đối thoại các vấn đề chiến lược về quốc phòng, an ninh

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN là cơ chế tham vấn và hợp tác về quốc phòng cao nhất trong ASEAN, là một thành phần quan trọng của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC).
Quang cảnh hội nghị trực tuyến ADMM tại điểm cầu Hà Nội, sáng 9/12. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 14, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 và các hoạt động liên quan được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 9-10/12/2020 với sự chủ trì của Việt Nam.

Năm 2006, ADMM ra đời đánh dấu bước khởi đầu của cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN.

Đây là cơ chế tham vấn và hợp tác về quốc phòng cao nhất trong ASEAN, là một thành phần quan trọng của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC).

ADMM tạo ra khuôn khổ cho đối thoại và tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng-an ninh; hình thành nền tảng thúc đẩy sự hợp tác trên thực tế giữa lực lượng vũ trang các nước trong khu vực.

Bước phát triển về hợp tác quốc phòng trong ASEAN

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 diễn ra vào tháng 10/2003 tại Bali, Indonesia, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali), nêu những định hướng chiến lược của ASEAN với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020, dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN. Ba trụ cột này sẽ được phát triển, thực hiện đồng thời, cân đối.

[Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14]

Việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) là bước tiến mới trong khuôn khổ của hợp tác quốc phòng-an ninh, được các nước ASEAN đặc biệt chú trọng, vì đây là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực, an ninh quốc gia của mỗi nước.

Việc thành lập Hội nghị ADMM là sáng kiến của Nhóm Công tác về hợp tác an ninh ASEAN trong cuộc họp ngày 9/5/2004 tại Indonesia.

Sau đó, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Vientiane (Lào) ngày 29/11/2004 đã thông qua Kế hoạch Hành động của Cộng đồng An ninh ASEAN, trong đó xác định ASEAN sẽ hướng tới tổ chức Hội nghị ADMM hằng năm. Đây là căn cứ để Malaysia tổ chức Hội nghị ADMM đầu tiên tại Kuala Lumpur.

Bên cạnh Hội nghị ADMM, từ 2007, hội nghị cấp Bộ trưởng khác là ADMM hẹp cũng được tổ chức (thường vào tháng 11 hằng năm), ngoài ra còn có một loạt các hội nghị cấp chính sách (cấp Thứ trưởng Quốc phòng) và cấp làm việc trong khuôn khổ ADMM được tổ chức thường niên.

Tới nay, ADMM đã được tổ chức 13 lần. ADMM-1 diễn ra tại Malaysia, từ ngày 8-9/5/2006.

Tại lần hội nghị này, Malaysia không đưa ra chủ đề mà các Bộ trưởng chỉ thông qua một tài liệu khái niệm về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.

ADMM-2 với chủ đề “Xây dựng cơ sở và phương hướng cho đối thoại quốc phòng và an ninh khu vực” được tổ chức tại Singapore từ ngày 13-15/11/2007.

Năm 2008, vị trí Chủ tịch ASEAN do Thái Lan chủ trì được kéo dài thêm 6 tháng đến hết năm 2009 và Thái Lan quyết định tổ chức ADMM-3 chủ đề “Tăng cường quốc phòng ASEAN để đối phó với những thách thức của các mối đe dọa phi truyền thống” từ ngày 25-26/2/2009 để khoảng cách giữa ADMM-3 và ADMM-4 không quá dài.

Việt Nam chủ trì ADMM-4 ngày 11/5/2010, chủ đề hội nghị là “Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN vì một khu vực ổn định và phát triển.”

ADMM-5 có chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN đối phó với các thách thức mới,” diễn ra ngày 19/5/2011 do Indonesia chủ trì. Campuchia chủ trì ADMM-6 ngày 29/5/2012, chủ đề “Thúc đẩy thống nhất ASEAN vì một cộng đồng hòa bình và vững chắc.”

Năm 2013, Brunei tổ chức ADMM-7 từ ngày 6-8/5 với chủ đề “Cùng nhau bảo vệ người dân vì tương lai của chúng ta.”

Năm 2014, ADMM-8 do Myanmar đăng cai, diễn ra từ ngày 19-21/5, chủ đề “Hợp tác quốc phòng hướng tới Cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng.”

Malaysia lần thứ hai tổ chức ADMM với việc chủ trì Hội nghị ADMM-9, từ ngày 15-17/3/2015, với chủ đề “ASEAN: Duy trì an ninh và ổn định khu vực vì nhân dân, do nhân dân.”

ADMM-10 diễn ra tại Lào năm 2016, từ ngày 24-26/5, chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng vì Cộng đồng ASEAN năng động.”

Với chủ đề "Chung tay tạo thay đổi, kết nối với toàn cầu," ADMM-11 do Phillipines chủ trì năm 2017.

Singapore chủ trì ADMM-12 năm 2018, chủ đề “Tăng cường hợp tác, xây dựng tự cường” và Thái Lan chủ trì ADMM-13 năm 2019 với chủ đề “An ninh bền vững.”

Hợp tác quốc phòng ASEAN đã có những bước phát triển kể từ năm 2006.

Tới nay, trong khuôn khổ ADMM có 15 sáng kiến đang được triển khai, gồm: Hợp tác giữa các tổ chức quân, dân sự trong việc ứng phó với các thách thức phi truyền thống (2009); Mạng lưới Trung tâm Gìn giữ hòa bình của ASEAN (APCN, 2011); Hợp tác Công nghiệp Quốc phòng ASEAN (ADIC, 2011); Chương trình Giao lưu Quốc phòng ASEAN (ADIP, 2013), Khuôn khổ Hỗ trợ hậu cần của ASEAN (LSF, 2013); Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN trong ADMM (ADI, 2014); Trung tâm Quân y ASEAN (ACMM, 2015).

Ngoài ra, còn có Nhóm thường trực quân đội ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (AMRG về HADR, 2015); Hướng dẫn tương tác trên biển (2017); Trao đổi giáo dục và đào tạo trong ADMM (AETE, 2017); ASEAN Con mắt của chúng ta (AOE, 2018); Mạng lưới các chuyên gia quốc phòng ASEAN về hóa học, sinh học và phóng xạ (CBR, 2018); Hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa các máy bay quân sự (GAME, 2018); Hội thảo Quân y ASEAN (2019); Vai trò của các cơ quan quốc phòng ASEAN trong hỗ trợ quản lý biên giới (2019).

Góp phần kiến tạo, duy trì môi trường hòa bình

Nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược của ADMM đối với cấu trúc an ninh khu vực, Việt Nam đã chủ động tham gia cơ chế này và có những đóng góp tích cực, góp phần kiến tạo, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác vì một ASEAN phát triển thịnh vượng.

Việt Nam tham gia Hội nghị ADMM từ năm 2006. Từ ADMM-2 trở đi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đều tham dự ADMM cũng như ADMM hẹp.

Ngay từ Hội nghị ADMM lần đầu tiên, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của ADMM theo Hiến chương của ASEAN và đề xuất nhiều sáng kiến, góp phần đưa hợp tác trong ADMM đi vào thực chất, hiệu quả.

Tiếp đó, trên cơ sở đánh giá tình hình an ninh khu vực, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến quan trọng như cam kết “không sử dụng vũ lực trước trong giải quyết tranh chấp,” tăng cường hợp tác hải quân trong khu vực thông qua các hoạt động tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng giữa hải quân cũng như lãnh đạo quốc phòng các nước, giao lưu giữa các binh sỹ trên đảo ở Biển Đông.

Việt Nam cũng ủng hộ các sáng kiến như Chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU Fishing), quản lý biên giới, khẳng định sự cần thiết phải nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN...

Những nỗ lực này của Việt Nam được nhiều nước đánh giá cao, tạo cơ sở để thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của Việt Nam trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.

Năm 2010, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và chủ trì tổ chức một loạt hội nghị trong khuôn khổ ADMM.

Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ và có đóng góp to lớn trong việc thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) thông qua việc đề xuất Tài liệu khái niệm “ADMM+: Thể thức và thủ tục” và “ADMM: Cơ chế và Thành phần,” tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất với việc thông qua 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác: An ninh biển, Gìn giữ hòa bình, Chống khủng bố, Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, Quân y.

Tại ADMM+ lần thứ hai do Brunei chủ trì năm 2013, theo đề xuất của Việt Nam, Hội nghị đã thông qua lĩnh vực ưu tiên hợp tác thứ 6 là Hành động Mìn nhân đạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục