Tạo hình lại đường tiêu hóa trên, cứu sống nữ bệnh nhân 35 tuổi

Các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã cắt toàn bộ thực quản và dạ dày, sau đó tạo hình lại đường tiêu hóa trên, giúp bệnh nhân Lương Thị H ăn uống trở lại bình thường.
Tạo hình lại đường tiêu hóa trên, cứu sống nữ bệnh nhân 35 tuổi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 30/10, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết một ca bệnh hy hữu là chị Lương Thị H (35 tuổi, ở Bắc Ninh) vừa được các bác sỹ Khoa Ngoại tổng hợp cứu sống.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, cách đây 2 năm, do căng thẳng trước áp lực cuộc sống, người mẹ của 4 đứa con đã chọn con đường giải thoát bằng việc uống 200ml hóa chất tẩy rửa bồn cầu, phải vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cấp cứu.

Tại thời điểm đó, bệnh nhân rất nặng, với các biến chứng cấp tính của chất độc gây thủng đường tiêu hóa đã được Tiến sỹ-bác sỹ Trần Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp phẫu thuật, cứu qua cơn hiểm nghèo.

Trong suốt 2 năm qua, do hậu quả của chất độc, bệnh nhân bị hẹp toàn bộ thực quản và dạ dày ở ngay dưới ngã ba hầu họng, phải nong thực quản liên tục hàng tuần tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuy vậy bệnh nhân cũng chỉ uống được từng thìa nước cháo và rất đau đớn khi nuốt.

Sáu tháng gần đây, bệnh nhân hoàn toàn không nuốt được, phải đặt ống sonde mũi bơm nước cháo để sống qua ngày. Bệnh nhân rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng, cơ thể suy kiệt, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có sự hỗ trợ của người thân.

“Làm thế nào để giúp một bệnh nhân nữ mới có 35 tuổi, lại là mẹ của 4 đứa con nhỏ có thể trở lại cuộc sống bình thường?” là câu hỏi lớn, khó và đầy thách thức mà Tiến sỹ-bác sỹ Trần Mạnh Hùng đưa ra trong buổi giao ban toàn khoa.

Một quyết định đầy trách nhiệm đã được đưa ra đó là nuôi dưỡng nâng cao thể trạng để chuẩn bị tốt cho phẫu thuật cắt toàn bộ thực quản và dạ dày, sau đó tạo hình lại đường tiêu hóa trên cho bệnh nhân. Đây là cách duy nhất để cứu sống người bệnh vào lúc này.

[Cứu sống bệnh nhân nhiễm độc do uống thuốc dân gian để phòng COVID-19]

Ngày 18/10, Tiến sỹ Hùng cùng êkíp đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài gần 9 giờ, không ít những khó khăn trong quá trình phẫu thuật nhưng cuối cùng đã thành công ngoài mong đợi với niềm vui của toàn bộ êkíp.

Ngày thứ 8 sau mổ bệnh nhân đã có thể ăn uống qua đường miệng. Ngày 29/10, sau mổ 11 ngày, bệnh nhân phục hồi tốt, ăn uống trở lại bình thường và được xuất viện trong sự vui mừng của người bệnh, gia đình và các thầy thuốc.

Đây là ca thứ 4 bị bỏng toàn bộ đường tiêu hóa trên do hóa chất mà bác sỹ Hùng cùng tập thể Khoa Ngoại tổng hợp đã phẫu thuật, tạo hình thành công. Đây cũng là ca khó nhất vì thời gian bị bệnh lâu, cơ thể suy kiệt và tổn thương rất cao.

Chia sẻ về ca phẫu thuật hy hữu này, một bác sỹ trong ekip cho biết trong quá trình mổ, khó khăn đối với bệnh nhân bỏng thực quản do hóa chất là ranh giới giải phẫu không còn, thực quản nằm trong trung thất cạnh các mạch máu lớn, khí quản. Khó khăn thứ 2 đối với những bệnh nhân này là phần thực quản bị tổn thương ở ngay dưới ngã ba hầu họng, không còn một vị trí nào lành.

Khi đặt vấn đề phẫu thuật để bệnh nhân ăn lại được phải có ba yếu tố gồm miệng nối phải đảm bảo an toàn; hai là thực quản mới tạo hình phải đủ dài; ba là khi bệnh nhân ăn không được trào ngược. Vì vậy quyết định tạo hình lại toàn bộ đường tiêu hóa trên bằng hồi-đại tràng phải là an toàn và hiệu quả hơn cả cho trường hợp này.

Trước mổ, bệnh nhân không thể ăn bằng đường miệng, dinh dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch nên vấn đề hậu phẫu cũng đặt ra nhiều thách thức về dinh dưỡng, thông khí hô hấp. Can thiệp vào lồng ngực là can thiệp khó nhất của phẫu thuật viên tiêu hóa vì trường mổ hẹp, liên quan đến tim, các mạch máu lớn của trung thất và ống ngực, phế quản… Phẫu thuật viên ngoài kỹ thuật, trình độ chuyên môn thì đòi hỏi phải có bản lĩnh và kinh nghiệm phẫu thuật lồng ngực thì mới có thể đảm nhận được những ca mổ phức tạp như thế này.

Đánh giá về ca bệnh này, Tiến sỹ Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh phẫu thuật thực quản và dạ dày do bỏng hóa chất ăn mòn là một trong những phẫu thuật hiếm gặp, ngoài Việt Nam chỉ có một vài nước trên thế giới ghi nhận trong y văn, nhưng cũng chưa có trường hợp nào tổn thương nặng nề và phức tạp như trường hợp này. Thành công của ca bệnh này là nhờ sự phối hợp hiệu quả, đầy trách nhiệm giữa các thầy thuốc, giữa các đơn vị, khoa phòng trong bệnh viện.

“Bệnh nhân được trở lại cuộc sống bình thường, tái hòa nhập cộng đồng, có thể tự chăm sóc bản thân và các con là niềm vui, hạnh phúc nhất với chúng tôi," Tiến sỹ Trần Mạnh Hùng chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục