Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh

Theo các chuyên gia, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng trong điện ảnh, cần tạo hành lang pháp lý toàn diện để có thể điều chỉnh được tất cả hoạt động kinh doanh liên quan lĩnh vực này.
Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh ảnh 1Diễn viên Tuấn Trần và Trấn Thành vào vai hai cha con có nhiều xung đột nhưng hết mực thương yêu lẫn nhau. (Ảnh: Nhà phát hành Galaxy Studio)

Sau 15 năm thực thi, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/4.

Định hướng vai trò điện ảnh

Theo các chuyên gia, công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam chỉ có thể phát triển lên tầm cao mới khi được hỗ trợ bởi các chính sách của Nhà nước. Các chính sách được xây dựng cho lĩnh vực này cần bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu của các đơn vị làm phim với mối quan tâm của xã hội, song cần phải có cách nhìn nhận đúng về vị trí hiện tại của điện ảnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đều đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành. Theo đó, cần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Theo Tiến sỹ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến, phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh 2006 xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật, các điều luật chủ yếu để điều chỉnh hoạt động sáng tác-phát hành-phổ biến tác phẩm điện ảnh. Trong đó, điện ảnh từ lâu vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp.

Vì vậy, muốn phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam, cần có sự đổi mới về quan niệm, từ nhà quản lý đến nhà làm phim, rằng điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật, phim không chỉ là tác phẩm mà còn là hàng hóa đặc biệt, sản phẩm của sáng tạo và công nghệ, đem lại giá trị tinh thần và giải trí cho công chúng, đồng thời có khả năng thu lợi để tái sản xuất và phát triển.

[Khán giả đòi hỏi gì từ những bộ phim chuyển thể của điện ảnh Việt?]

Nếu có nhiều phim làm ra không đến được khán giả với lý do “phim nghệ thuật” thì điện ảnh vẫn không thể phát triển.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Tuấn, Trưởng phòng Phát hành, Công ty BHD cho rằng Luật Điện ảnh nên thay đổi cách tiếp cận, không chỉ xem điện ảnh là một ngành dịch vụ mà trọng tâm phải là công nghiệp sản xuất phim và có các chính sách hỗ trợ phim Việt.

Lấy dẫn chứng hiện tại, ông Nguyễn Thế Tuấn cho biết, phim có doanh thu cao nhất là “Bố già” trong thị trường điện ảnh Việt Nam ra rạp năm 2021 với doanh thu hơn 400 tỷ đồng bằng tiền bán hơn 30.000 tấn gạo trong khi tiền sản xuất bộ phim này là 23 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là doanh thu trong nước, chưa kể nước ngoài.

Đại diện Công ty BHD đề xuất, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có các chính sách thuế, ưu đãi đất đai cho doanh nghiệp trong nước; tạo quỹ đầu tư với các hình thức khuyến khích, tạo nguồn vốn vay lãi suất thấp để doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn vào rạp chiếu phim.

Nâng cao chất lượng sản xuất phim Việt

Nhiều chuyên gia, nhà làm phim cho rằng cần thiết lập các chính sách minh bạch, tạo môi trường thân thiện, cụ thể như việc đặt hàng sản xuất phim.

Bên cạnh đó, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong lĩnh vực điện ảnh, pháp luật điện ảnh cần tạo ra hành lang pháp lý toàn diện để có thể điều chỉnh được tất cả các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực điện ảnh.

Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh ảnh 2Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh. (Ảnh: Nhà phát hành Lotte Entertainment)

Theo ông Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh hiện hành và các văn bản hướng dẫn cần được sửa đổi theo hướng cân nhắc quy định cả hình thức đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim.

Theo đó, cần xây dựng quy định pháp lý dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng. Đối với phương thức doanh nghiệp truyền thống tại rạp chiếu phim hay chiếu qua truyền hình được kiểm duyệt trước khi phổ biến, thì việc chiếu phim trên các nền tảng Internet cũng cần được kiểm duyệt tương tự.

Tiến sỹ Ngô Phương Lan cũng đề xuất cần có sự thay đổi căn bản về phương thức đặt hàng. Trong đó, nên tính đến việc thay thế quy trình đặt hàng bằng khâu duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim rồi cấp tiền sản xuất bằng phương thức hiệu quả hơn mà nhiều nước áp dụng với nguồn kinh phí của Nhà nước, tài trợ cho từng khâu trong một dự án phim như kịch bản, tiền kỳ, hậu kỳ… hoặc tất cả các khâu nhưng theo quy định cụ thể.

Ngoài ra, nên có chính sách đầu tư việc tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị phim Nhà nước đặt hàng để nâng cao hiệu quả xã hội của các phim này.

Liên quan đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, hội nhập với công nghiệp điện ảnh thế giới, theo bà Phan Cẩm Tú, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có quy định cụ thể và minh bạch, rõ ràng về thủ tục, ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam, cơ chế đối với phim hợp tác sản xuất... qua đó thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu, giúp điện ảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch.

Cùng quan điểm, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ với tính chất đặc thù liên quan đến truyền bá văn hóa, chương trình điện ảnh quốc gia cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản xuất phim Việt Nam, tăng cường hoạt động quảng bá phim không chỉ giới hạn trong nước, mà còn ở các thị trường nước ngoài.

Khi đó, vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phim được nâng cao, tạo ra lợi thế kinh doanh đáng kể trong việc đàm phán với doanh nghiệp phát hành và doanh nghiệp phổ biến.

Trước bối cảnh phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế số, sự biến động sâu sắc của xã hội dưới tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng yêu cầu cấp bách đối với điện ảnh Việt Nam hiện nay cần phải đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy truyền thống dân tộc, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, tăng cường hội nhập quốc tế.

Đồng thời, nền điện ảnh Việt Nam cần được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với quy định của kinh tế thị trường, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao, tương thích với các bộ luật, luật hiện hành và pháp luật quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục