Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để kiều bào về nước đầu tư

Ông Vũ Văn Long, Việt kiều hiện ở Đài Loan (Trung Quốc), cho rằng hiện nay các tỉnh, thành đều rất tích cực kêu gọi đầu tư nhưng còn ít nơi nêu ra phương hướng phát triển của mình một cách cụ thể.
Tiến sỹ Khoa học, giáo sư Nguyễn Huy Mỹ, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Liên bang Nga chia sẻ việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới tại hội nghị. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Tại hội nghị “Kết nối kiều bào với địa phương" do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức tại thành phố Vinh từ ngày 27-29/12, các đại biểu kiều bào đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết.

Liên quan đến chính sách thu hút đầu tư về phát triển kinh tế, ông Vũ Văn Long, Việt kiều hiện ở Đài Loan (Trung Quốc), cho rằng hiện nay các tỉnh, thành đều rất tích cực kêu gọi đầu tư nhưng còn ít nơi nêu ra phương hướng phát triển của mình một cách cụ thể.

Bên cạnh đó, hiện điểm mạnh mà các địa phương đưa ra thu hút các nhà đầu tư chủ yếu là nguồn nhân lực rẻ và đông đảo ở các tỉnh, thành của Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng thị trường tiêu thụ ở chính các địa phương mình đầu tư.

Theo ông Long, căn cứ vào đường lối và chính sách phát triển chung của đất nước mà Chính phủ đề ra, từng địa phương cần nêu ra đường lối phát triển tương đối rõ ràng của riêng mình. Sau đó, các địa phương nên đưa ra các mô hình phát triển cụ thể để kêu gọi kiều bào tham gia hay kêu gọi các đối tác nước ngoài tham gia.

Hiện nay, đa số những dự án đầu tư có hiệu quả với quy mô lớn đều là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), rất hiếm thấy các mô hình hợp tác đầu tư và tài chính đầu tư lại càng hiếm hơn.

Ông Long cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ nên giảm đầu tư FDI bằng việc đưa ra nhiều ưu đãi cho các dự án đầu tư liên kết với các doanh nghiệp hay doanh nhân trong nước.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ trực tiếp, thực chất của địa phương và Trung ương đối với các doanh nghiệp đầu tư. Kế hoạch đầu tư cũng nên xác định rõ tỷ lệ đầu tư dự kiến của trong nước, nước ngoài cùng với số vốn hỗ trợ từ phía nhà nước (nếu có).

Sau khi có kế hoạch rõ ràng, chi tiết những hạng mục cần đầu tư và tỷ lệ giữa trong nước và nước ngoài cùng với những kỹ thuật cần được chuyển giao, địa phương sẽ kêu gọi kiều bào hay các đối tác nước ngoài hoặc thông qua kiều bào để kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Ông Harry Trần, CEO điều hành Tập đoàn AusViet Sumo, Australia cho rằng nền kinh tế Australia là nền kinh tế dịch vụ, với những dịch vụ có thương hiệu hàng đầu thế giới như về đào tạo, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, du lịch. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Australia đang quan tâm đến thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

[Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đối thoại với doanh nghiệp kiều bào]

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, các địa phương chưa có cách tiếp cận, nguồn thông tin và kế hoạch đầy đủ, đồng bộ để quảng bá về các tiềm năng hợp tác với đối tác. Các chuyến thăm viếng thị trường, tiếp xúc tìm hiểu đối tác nhiều khi chưa đủ chiều sâu để mang lại tính hiệu quả cao.

Ông Harry Trần bày tỏ mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, tạo điều kiện cho hợp tác thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Australia, bao gồm các doanh nghiệp kiều bào, hoạt động tại Việt Nam; đặc biệt với kiều bào Việt Nam tại Australia đồng thời các địa phương nên có các ưu tiên về thuế, đất đai, thủ tục hành chính.

Bà Phùng Kim Vy, Việt kiều Canada phản ánh một số quy định của Luật Quốc tịch còn gây khó khăn cho người Việt Nam ở nước ngoài khi có nhu cầu nhập, trở lại quốc tịch, đăng ký khai sinh cho con em.

Việt kiều Peter Hồng, kiều bào Australia, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến Việt Úc và là Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận 20 ý kiến của kiều bào liên quan đến đề xuất, kiến nghị chính sách trong nước và đối với kiều bào ở nước ngoài.

Trả lời về vấn đề quốc tịch, ông Nghị cho rằng Việt Nam đang thực hiện 1 quốc tịch với chính sách mềm dẻo. Hiện nay, Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Tư pháp và cơ quan chức năng trao đổi và tổ chức hội thảo nghiên cứu các mô hình quốc tịch của các quốc gia. Hiện, xu hướng trên thế giới rất nhiều nước thực hiện chính sách đa quốc tịch. Đây là điểm mà Việt Nam đang nghiên cứu và xem xét nghiêm túc.

Trước mắt hiện nay, Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định hướng dẫn về nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam theo hướng thông thoáng hơn, dễ dàng hơn khi người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu quay trở về Việt Nam. Đây là mong muốn chính đáng của kiều bào và luôn ghi nhận.

Trả lời về băn khoăn về vấn đề Việt kiều có được mua nhà ở Việt Nam hay không, ông Lương Thanh Nghị khẳng định Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ tất cả công dân Việt Nam ở nước ngoài, kể cả mang quốc tịch nước ngoài cũng được phép mua nhà ở Việt Nam. Vì vậy, người Việt Nam mang hộ chiếu Việt Nam khi nhập cảnh có đóng dấu Việt Nam thì được phép sở hữu nhà và đất như công dân Việt Nam.

Nếu như mang quốc tịch nước ngoài, sử dụng hộ chiếu nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam có dấu xác nhận nhập cảnh muốn mua nhà thì phải có giấy xác nhận hoặc chứng minh được là gốc người Việt Nam. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý cho bà con kiều bào.

Đối với nhiều cơ chế chính sách khác, ông Lương Thanh Nghị cũng nhấn mạnh sau Hội nghị này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tập hợp ý kiến của kiều bào, các địa phương để từ đó tham mưu xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của địa phương nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung.

Cụ thể, Ủy ban sẽ chú trọng việc rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất, kinh doanh; có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; thiết lập cơ chế phản hồi với những đóng góp của kiều bào đồng thời, có các chính sách, chương trình tăng cường gắn kết hơn nữa kiều bào, đặc biệt là thế hệ kiều bào trẻ với đất nước, với từng địa phương; nghiên cứu, kiến nghị Nhà nước có chính sách về quốc tịch phù hợp với xu thế của thế giới và nguyện vọng của kiều bào; nghiên cứu và đề xuất các quy định tuyển dụng lao động vào các cơ quan Nhà nước, hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn...

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đặc biệt tiếp tục hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài ổn định địa vị pháp lý, hội nhập sâu vào xã hội sở tại; làm tốt công tác bảo hộ công dân, bảo hộ cho các quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, giúp kiều bào yên tâm làm ăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục