Mặc dù đã được xã hội thừa nhận nhưng hàng ngàn doanh nghiệp xã hội vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chưa được chính thức công nhận về mặt pháp luật.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như tối đa hóa tác động của doanh nghiệp xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang nghiên cứu đề xuất bổ sung doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp, nhằm sửa đổi vai trò pháp lý để các doanh nghiệp này được hưởng các chính sách ưu đãi như doanh nghiệp những khu vực khác.
Các doanh nghiệp xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức
Ở Việt Nam, doanh nghiệp xã hội là một khái niệm còn khá mới mẻ. Theo thống kê của CIEM, Việt Nam hiện có khoảng 211 doanh nghiệp đang hoạt động theo đúng mô hình doanh nghiệp xã hội và ước tính bình quân vài năm gần đây, mỗi năm có thêm khoảng 50 doanh nghiệp xã hội đi vào hoạt động.
Hiện tại, các doanh nghiệp xã hội đang hoạt động dưới bốn loại hình pháp lý: doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm, câu lạc bộ-hiệp hội. Trong số đó, trung tâm là hình thức được ưa chuộng hơn cả với 33%, loại hình doanh nghiệp đứng thứ hai với gần 30%, câu lạc bộ và hiệp hội chiếm khoảng 15% và hợp tác xã khoảng 10%. Hình thức trung tâm phổ biến vì dễ thành lập và có tính linh hoạt trong hoạt động.
Các doanh nghiệp xã hội hoạt động tương đối rộng trên khắp các lĩnh vực, giải quyết rất nhiều vấn đề từ việc làm, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo cho tới các cộng đồng người bị thiệt thòi và bị cách ly. Ba lĩnh vực phổ biến nhất là: đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Các doanh nghiệp xã hội đang góp phần vào sự thay đổi nhận thức về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong cộng đồng. Sự tồn tại của các doanh nghiệp xã hội là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho cộng đồng doanh nghiệp rằng mục tiêu cuối cùng của kinh doanh không phải lúc nào cũng là lợi nhuận. Lợi ích cộng đồng đôi khi còn quan trọng hơn việc tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Lưu Minh Đức, Ban môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh cho biết, trong giai đoạn đầu phát triển, các doanh nghiệp xã hội đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như thiếu khung pháp lý, khả năng lãnh đạo hạn chế của doanh nhân xã hội và nguồn lực tài chính hạn hẹp.
Hoạt động của các doanh nghiệp xã hội đang được điều chỉnh bởi các luật khác nhau tùy thuộc vào hình thức pháp lý của họ. Nếu đăng ký dưới hình thức công ty, doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp. Các hợp tác xã được điều chỉnh theo Luật Hợp tác xã. Các quỹ Từ thiện và Xã hội hoạt động theo Nghị định 148/2007/NĐ-CP. Các hiệp hội ngành nghề được điều chỉnh bởi Luật Khoa học và Công nghệ.
Do chưa có được khung pháp lý toàn diện nên rất nhiều vấn đề nảy sinh đối với hoạt động của các doanh nghiệp xã hội. Thậm chí, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, một số nhà nghiên cứu còn tranh luận rằng không nên có bất cứ đặc quyền nào cho các doanh nghiệp xã hội với lập luận rằng nếu các doanh nghiệp xã hội được ưu đãi hơn, sẽ nảy sinh chuyện các doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận sẽ chuyển sang đăng ký theo hình thức doanh nghiệp xã hội để được hưởng ưu đãi mà không thực sự theo đuổi sứ mệnh xã hội.
Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp xã hội được lập ra từ ý nguyện của những người sáng lập nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Do đó, một số các doanh nhân xã hội còn yếu về khả năng quản lý, điều hành, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế hoạt động.
Cần luật hóa doanh nghiệp xã hội
Nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như tối đa hóa tác động của doanh nghiệp xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đang nghiên cứu đề xuất bổ sung doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp nhằm sửa đổi vai trò pháp lý để các doanh nghiệp này được hưởng các chính sách ưu đãi như doanh nghiệp những khu vực khác. Trong nghiên cứu đề xuất bổ sung vai trò của doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp, CIEM đã đưa những khái niệm về doanh nghiệp xã hội với những quyền và nghĩa vụ riêng.
Ông Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng CIEM khẳng định, nếu doanh nghiệp xã hội được Luật Doanh nghiệp thừa nhận, sẽ định vị vai trò pháp lý, tạo chính sách cho mô hình này phát triển. Theo ông Cung, CIEM sẽ lồng ghép hai nội dung quan trọng vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp tới, gồm doanh nghiệp xã hội được nhận tài trợ từ các bên liên quan để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển, và sẽ được pháp lý thừa nhận, được hưởng những ưu đãi từ các chính sách như thuế, đất đai... như những loại hình doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Qua các nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy nhu cầu tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng của các mô hình doanh nghiệp xã hội cũng đã mang lại hiệu quả các tất cả các bên liên quan, như mô hình cách đồng mẫu lớn, sản xuất sắn ở Quảng Trị, hay mô hình sản xuất khoai tây ở Thái Bình… Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, chúng ta cần nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xã hội hoạt động hoạt động hiệu quả.
Ông Chris Brown, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, Anh quốc có nhiều doanh nghiệp xã hội, bởi đây là mô hình doanh nghiệp xã hội đã hoạt động trên 150 năm, đóng góp tới 30 tỷ USD cho nền kinh tế. Để phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội, ông Chris Brown cho rằng, “ Việt Nam có thể học hỏi từ những thành công và cả thất bại từ các quốc gia khác trong khu vực và thế giới."
Cũng nhiều ý kiến khác đề xuất, để khuyến khích và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp xã hội, đòi hỏi phải có những biện pháp toàn diện với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, trong đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng. Chính phủ cần đưa ra một khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động cũng như quy định địa vị pháp lý của các doanh nghiệp xã hội. Kinh nghiệm từ các nước khác chỉ ra rằng doanh nghiệp xã hội chỉ phát triển mạnh khi địa vị pháp lý của họ được thừa nhận và ghi rõ trong luật.
Với thực tế là hầu hết các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ. Do đó, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Sự hỗ trợ tài chính trực tiếp có thể giúp cải thiện tình trạng tài chính của các tổ chức này.
Bà Vũ thị Quỳnh Anh - Trung tâm Phát triển doanh nghiệp xã hội Tia sáng cho biết, cần nâng cao nhận thức xã hội về loại hình doanh nghiệp xã hội qua các chiến dịch truyền thông, hội thảo và hội nghị về doanh nghiệp xã hội. Sự tham gia tích cực của cộng đồng có thể giúp các doanh nghiệp xã hội phát triển mạnh hơn.
Ngoài ra, cần có các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm bổ sung kiến thức và kỹ năng quản lý điều hành cho đội ngũ những người lãnh đạo các doanh nghiệp xã hội. Khẳng định về sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề lớn đặt ra ở đây là hoạt động của các doanh nghiệp xã hội rất cần được sự đồng thuận của xã hội và hơn hết là được sự công nhận chính thức, rõ ràng và cụ thể của Nhà nước trong các quy định pháp luật./.