Tạo đột phá mới trong hợp tác song phương Việt Nam-Singapore

Chuyến thăm chính thức Singapore của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ tạo đột phá mới trong quan hệ song phương, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và cùng phát triển thịnh vượng.

Lô hàng 1.200 tấn Module được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Enerbility Việt Nam (Doosan Vina), Khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xuất khẩu sang Singapore vào tháng 3/2023. (Ảnh: TTXVN phát)
Lô hàng 1.200 tấn Module được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Enerbility Việt Nam (Doosan Vina), Khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xuất khẩu sang Singapore vào tháng 3/2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2024), nhất là hơn 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore (2013-2024), quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu; trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Hơn nữa, Việt Nam và Singapore đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hai bên đã và đang thúc đẩy các FTA tham gia nhằm tăng cường hợp tác, đóng góp vào phát triển kinh tế mỗi nước cũng như khu vực.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Singapore của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ tạo đột phá mới trong quan hệ song phương, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và cùng phát triển thịnh vượng.

Liên tục tăng trưởng

Nhận định từ các chuyên gia, từ năm 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm.

Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đã trở thành biểu tượng của quan hệ Việt Nam-Singapore và đang được mở rộng theo hướng khu công nghiệp xanh và công nghệ cao, sáng tạo.

Ngoài ra, Việt Nam và Singapore đều là những thành viên có tiếng nói quan trọng trong ASEAN tại diễn đàn đa phương cũng như trên trường quốc tế.

Hơn nữa, Việt Nam và Singapore đã phối hợp chặt chẽ với nhau tại tổ chức, diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trong vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho hay Singapore là thị trường tiêu dùng tương đối nhỏ nhưng lại tập trung nhiều công ty đa quốc gia và là trung tâm thông tin, thương mại, tài chính, trung tâm logistics lớn của khu vực và toàn cầu. Không những vậy, Singapore còn là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn, cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng; trong đó, có Việt Nam.

Tại buổi tiếp, làm việc với Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ông Jaya Ratnam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh Singapore là đối tác quan tác có tầm quan trọng đặc biệt của Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai nước liên tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, toàn diện và Singapore là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Theo số liệu thống kê, năm 2023, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia) và đối tác thương mại thứ 14 của Việt Nam trên thế giới.

Ở chiều ngược lại, theo số liệu thống kê của phía Singapore, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 4 của Singapore trong ASEAN và đối tác thương mại thứ 11 của Singapore trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ trong năm 2023.

ttxvn_0409_VSIP.jpg
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An tại xã Hưng Công, huyện Hưng Nguyên. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết Singapore là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế số, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Do đó, Thứ trưởng mong muốn Singapore tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này, đặc biệt để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.

Liên quan đến vấn đề hợp tác đào tạo, phát triển kỹ năng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh Singapore đi trước và có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng sạch. Vì vậy, Singapore là đối tác quan trọng để đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Đại sứ Jaya Ratnam khẳng định Singapore sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực liên quan trong lĩnh vực này và các lĩnh vực khác trên cơ sở đề xuất của phía Việt Nam.

Thống kê từ Bộ Công Thương, từ năm 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm. Giai đoạn 2018-2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng từ 7,1 tỷ USD lên 9,1 USD, tương đương 18,2%.

Ước 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 25,1%, nhập khẩu ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2023.

Việt Nam và Singapore tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 4 của nhau trong khu vực Đông Nam Á.

Tính theo nhóm mặt hàng, đứng đầu là nhóm hàng chế biến chế tạo chiếm 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Singapore, tiếp theo là nhiên liệu, khoáng sản chiếm 6%, nông thủy sản và vật liệu xây dựng chiếm lần lượt 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Singapore.

Có thể thấy chế biến chế tạo là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Singapore; trong đó, phải kể đến các mặt hàng như máy vi tính, linh kiện và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải…

Theo các chuyên gia thương mại, với quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp cùng vị trí địa lý gần, môi trường văn hóa tương đồng trong khu vực Đông Nam Á, cùng là thành viên của nhiều FTA, đây là các yếu tố thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, hàng năm có rất nhiều đoàn doanh nghiệp Singapore được Thương vụ Việt Nam hỗ trợ tới Việt Nam để tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nguồn hàng, kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Điều này cho thấy nhu cầu hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước là rất lớn.

Nắm bắt thị trường

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng thực trạng hợp tác giữa doanh nghiệp vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Chẳng hạn với nhóm hàng nông, thủy sản, Việt Nam là đất nước dồi dào về tài nguyên và sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, trong khi đó Singapore lại là đất nước nhập khẩu hơn 90% lương thực.

Thế nhưng, xuất khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam sang Singapore chỉ đạt 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và một số mặt hàng như thịt gà, trứng vẫn chưa được cấp phép nhập khẩu của Singapore.

Ngoài ra, khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Singapore phải kể đến yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về bảo vệ môi trường và quy định khác. Hơn nữa, người tiêu dùng Singapore có yêu cầu cao về chất lượng, hình thức, thương hiệu, uy tín… của sản phẩm nhập khẩu.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa đảm bảo được tính ổn định, thống nhất về chất lượng, hạn chế về mẫu mã, chủng loại, chưa chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu…

Đặc biệt, mức độ cạnh tranh tại thị trường Singapore tương đối lớn; trong đó, phải kể đến đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản…

Mới đây, tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, tỉnh Nam Định, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sanbang (Singapore) đã tổ chức lễ động thổ nhà máy sản xuất hàng dệt may với tổng diện tích sử dụng đất là 103.400 m2, tổng vốn đầu tư 673,5 tỷ đồng (tương đương gần 30 triệu USD).

Theo kế hoạch, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sanbang (Singapore) sẽ tập trung xây dựng, lắp đặt thiết bị và sẽ vận hành thử vào quý 3/2025; chính thức sản xuất từ quý 4/2025.

Sau khi hoàn thành xây dựng, dự kiến công suất mỗi năm của dự án đạt 15.000 tấn khăn, 14 triệu mét vải dệt, 15.000 tấn sợi DTY.

Bà Amy Wee, Giám đốc Liên đoàn doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, cho biết liên đoàn có hơn 29.000 doanh nghiệp thành viên, trong đó có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư mở rộng hoạt động tại Việt Nam ở lĩnh vực sản xuất, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Để xuất khẩu thành công và bền vững sang Singapore, ông Cao Xuân Thắng cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, nắm bắt những thay đổi của thị trường nhập khẩu để xây dựng chiến lược xuất khẩu. Hơn nữa, Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu và nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường, góp phần gia tăng xuất khẩu hàng hóa.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường, xu hướng tiêu dùng, chính sách, tiêu chuẩn, quy định của Singapore có liên quan đến nhập khẩu mặt hàng của doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh và xu hướng kinh doanh hiện tại.

Cùng đó, kết nối chặt chẽ với cơ quan nhà nước, Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời cập nhật chính sách mới của thị trường nước sở tại giúp điều chỉnh, ứng phó với nguy cơ, khó khăn, đề nghị hỗ trợ khi cần thiết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng lưu ý doanh nghiệp nên đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, hình thức của sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường Singapore như mẫu mã, bao bì, nhãn dán, đặc biệt khi tiêu dùng xanh đang ngày càng phát triển.

Mặt khác, tích cực tham gia kết nối giao thương, mở rộng quan hệ đối tác, tận dụng cơ hội tiếp thị về mặt hàng, sản phẩm; cơ hội kinh doanh qua thị trường thương mại điện tử. Qua đó, giúp doanh nghiệp có độ tương tác cao với người tiêu dùng, linh hoạt điều chỉnh sản phẩm theo thị hiếu, nhu cầu, không bị đọng vốn, chi phí ban đầu bỏ ra thấp và toàn quyền kiểm soát thương hiệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục