Tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số đã trở thành chiến lược then chốt, mở ra cơ hội xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, bền vững và hiệu quả hơn, đảm bảo vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Sở Nông nghiệp)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Sở Nông nghiệp)

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất và giá trị kinh tế ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/10.

Ông Đặng Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, trong những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng, khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế, cung cấp sản phẩm cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trước áp lực của toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ 4.0 cùng những thách thức như biến đổi khí hậu và suy thoái tài nguyên, ngành nông nghiệp đang đối mặt với yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi để nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.

Chuyển đổi số vì thế đã trở thành chiến lược then chốt, mở ra cơ hội xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, bền vững và hiệu quả hơn, đảm bảo vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Việt Nam đang đứng thứ 63/113 quốc gia về chuyển đổi số với trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, kinh tế số chiếm 20% GDP.

Trong kinh tế số, thương mại điện tử nổi lên là lĩnh vực phát triển nhanh chóng, công nghệ fintech cũng phát triển mạnh mẽ. Về mặt xã hội, các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, giao hàng, phân phối bán lẻ, giải trí trên nảng số tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp một số nút thắt như: Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hệ thống dữ liệu và thông tin bị phân tán; thiếu sự đồng bộ và liên kết giữa các cơ quan, tổ chức; thiếu kỹ năng số trong lao động nông nghiệp dẫn đến tâm lý ngại thay đổi.

Song song đó, chi phí đầu tư chuyển đổi số lớn nhưng thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ thực tế.

Theo ông Đặng Duy Hiển, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia đã chuyển đổi số nông nghiệp thành công đã bắt đầu từ xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp từ rất sớm, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ nông nghiệp, phát triển nhanh thương mại điện tử nông thôn, phủ sóng internet, chấn hưng nông thôn rồi mới thúc đẩy kinh tế số trong các tập đoàn, doanh nghiệp nông nghiệp.

Tương tự, nông nghiệp Việt Nam cần xây dựng tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số từ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp thông minh; tích hợp chuỗi cung ứng; đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ cho lao động nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, xây dựng các nền tảng trực tuyến cho việc mua bán sản phẩm nông nghiệp, tư vấn nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin. Tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp số.

Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu và đầu tư viên tham gia vào phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.

Quản lý tài nguyên nước, đất đai và rừng nguyên liệu một cách hiệu quả, theo dõi và đánh giá tác động của hoạt động nông nghiệp đối với môi trường.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn.

Các đề án lớn như: Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Phát triển ngành hoa và cây cảnh đến năm 2030,… đều rất cần hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu số có tham chiếu địa lý.

Trong thực tế việc theo dõi và chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là lúa từng gặp nhiều khó khăn do mạng lưới cán bộ cập nhật thông tin có trính độ công nghệ thông tin không đồng đều.

Số liệu báo cáo từ cấp dưới ở nhiều định dạng tài liệu khác nhau, thiếu thống nhất nên mất thời gian tổng hợp số liệu hàng tuần ở mỗi cấp quản lý; khó truy xuất dữ liệu gốc từ cấp xã, khó định vị trên bản đồ khi cần theo dõi.

Từ năm 2018 đến nay, ngành trồng trọt đã xây dựng ý tưởng chuyển đổi số trong theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất, đưa vào thử nghiệm, cải tiến các phiên bản RiceMoRe (Rice Monitoring and Reporting system).

Dự kiến đến cuối năm 2024, RiceMoRe sẽ được nhân rộng tại 28 tỉnh, thành, tiến tới tích hợp với cơ sở dữ liệu nền tảng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phục vụ chia sẻ dữ liệu số với các đơn vị của Bộ; tích hợp với các hệ thống số khác để phục vụ quản lý, điều hành và tư vấn sản xuất.

“Rice MoRe có cơ chế cảnh báo dịch hại, cảnh báo sớm rủi ro thiên tai, bảo hiểm nông nghiệp và lập kế hoạch dự trữ, xuất khẩu. Trên cơ sở ứng dụng của lúa gạo, ngành trồng trọt có thể ứng dụng RiceMoRe làm nền tảng để phát triển các hợp phần theo dõi và báo cáo sản xuất cho khoảng 30 sản phẩm trồng trọt khác, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ,” ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Ông Thái Nguyễn Hoài Thiên, Quản lý dự án phát triển nền tảng nông nghiệp số, Công ty RYNAN Technologie phân tích, chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số (DT) và công nghệ thông tin truyền thông (ICT) trong quản lý và điều hành chuỗi giá trị nông sản nhằm tối ưu hóa các hoạt động từ khâu vật tư đầu vào đến canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo ra giá trị mới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Chính vì vậy, trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin ở đơn vị ấp-xã đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi số nông nghiệp từ cơ sở. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần ban hành quy chế vận hành rõ ràng về nền tảng nông nghiệp số.

Để việc chuyển đổi số được đồng bộ và toàn diện, mỗi chuyên ngành, đơn vị cần hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc ứng dụng công nghê số trong quản lý và vận hành nghiệp vụ chuyên môn; chủ động cập nhật nâng cao trình độ bởi công nghệ đang thay đổi từng ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục