Tạo động lực mới, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước

Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 10/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

"Thưa các vị khách quý,
Thưa các đồng chí đại biểu Đại hội,

Hôm nay, trong không khí cả nước hân hoan phấn khởi, thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - một sự kiện có ý nghĩa chính trị-xã hội quan trọng, một dấu mốc trên con đường phát triển của phong trào thi đua yêu nước của cả nước.

Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị khách quý và hơn 2000 đại biểu đại diện cho các tập thể, các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến trong cả nước đã về dự Đại hội. Tôi cũng gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới toàn thể đồng chí, đồng bào và chiến sĩ cả nước đang ngày đêm lao động hăng say, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Thưa quý vị đại biểu,
Thưa các đồng chí,

Chúng ta đều biết, công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước vô vàn khó khăn, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Trung ương Đảng đã thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương và phát động phong trào thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc. Người đã căn dặn: "Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất." Sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Có thể nói, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phòng trào thi đua yêu nước.

Trải qua chặng đường dài lịch sử xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua Ái quốc luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp; đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực thi đua thể hiện lòng yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với các phong trào thi đua quy mô toàn quốc, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều có những phong trào thi đua, với nhiều hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, động viên và lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia.

Các đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trong năm năm qua, đất nước ta có nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển, song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong năm 2020, đại dịch COVID-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường; đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, lũ đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhưng nhờ có sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức hợp lý nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Nước ta đã được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, đạt tăng trưởng dự kiến từ 2,5 đến 3% trong năm 2020.

Văn hóa, xã hội tiếp tục có tiến bộ; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được bảo đảm; công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, người có hoàn cảnh khó khăn; chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được triển khai tích cực.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được duy trì, đạt nhiều kết quả ấn tượng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình được bảo đảm. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

[Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phong trào thi đua cần tránh hình thức]

Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh," thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đoàn đại biểu Cao Bằng dự Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Các ngành, các cấp, các địa phương có các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu là phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo;" "Năng suất, chất lượng, hiệu quả;" "Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện;" "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa;" "Dạy tốt, học tốt;" phong trào thi đua "Quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Dân vận khéo;" "Ngày vì người nghèo;" phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia… Đặc biệt là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới;" phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để lại ai ở phía sau;" "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển;" "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"…

Nhiều bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội và của nhân dân vào xây dựng quê hương, đất nước, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa rộng khắp.

Qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc. Đó là những tấm gương lao động điển hình trên các công trình xây dựng, trong các nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như trên các mặt trận văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục,… Xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tài năng, sáng tạo, có đạo đức kinh doanh, chấp hành pháp luật, làm lợi cho đất nước…

Trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng, hải quan, kiểm lâm sẵn sàng hy sinh trên mặt trận phòng, chống tội phạm, lâm tặc, buôn lậu…

Có thể khẳng định, phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Công tác tuyên truyền đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế mới, động lực mới cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng năm năm 2015-2020; chúc mừng các đại biểu điển hình tiên tiến về dự Đại hội hôm nay, những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua của cả nước.

Thưa các đồng chí,

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng cũng còn một số hạn chế như trong Báo cáo của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng đã đánh giá, trong đó hạn chế lớn nhất là còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả. Việc tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm. Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp còn chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan toả trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế. Hội đồng Thi đua-Khen thưởng ở một số đơn vị còn chưa thực hiện tốt công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Những hạn chế này cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục.

Tôi cho rằng, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức và những cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cần suy nghĩ và đề cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện để từ đó đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, một công cụ quản lý Nhà nước và là động lực để xây dựng con người mới.

Thưa các đồng chí,

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục giảm; cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Ở trong nước, chúng ta được kế thừa thành tựu của 35 năm đổi mới, thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh; kinh tế vĩ mô ổn định, các hiệp định thương mại thế hệ mới với các nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt là với Liên minh châu Âu mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển; niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều, nhất là việc tái lây nhiễm trở lại và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; tác động, ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu so với các nước phát triển; nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng một lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua phải có phương hướng đúng và vững;" "Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc," phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới cần phải hướng tới việc cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển, phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm (2021-2025).

[Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển]

Trong bối cảnh đó, tôi thống nhất với những chủ trương, giải pháp đã nêu trong Báo cáo của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng. Tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực, biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của các thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp.

Hai là, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hòa các lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; lợi ích của xã hội. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.

Giáo sư Đông A và các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh - kíp mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi-Diệu Nhi giao lưu tại Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ba là, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương. Quan tâm và cụ thể hoá bằng các quy định về việc khen thưởng qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên, khen thưởng kịp thời. Khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Tránh hình thức.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt, nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Chiến sỹ thi đua là những người mới, những người luôn cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm chính, là những người tôi trung thành của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc."

Sau Đại hội, tôi đề nghị hơn 2.000 đại biểu là điển hình tiên tiến, Anh hùng, Chiến sỹ thi đua có mặt hôm nay, hãy tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội.

Năm là, thi đua phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng. Vì vậy, cần hết sức chú trọng tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất, năng lực thực tiễn, năng lực phát hiện và tổ chức thực hiện của đội ngũ thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp, cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên trách và kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng. Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua. Đặc biệt là cần hết sức công tâm, khách quan, trong sáng. Đồng thời, tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đây là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng công tác tham mưu và kết quả triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong phạm vi cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thưa các đồng chí,

Thi đua là một chủ trương chiến lược của Đảng, một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của tất cả các cấp, các ngành, của mỗi cơ quan, đơn vị. Phát huy thành tích đã đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn năm năm qua, tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết của toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong cả nước, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của nước ta trong thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực mới, quan trọng, góp phần vào tiến trình đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Một lần nữa, xin chúc các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc, thành công và luôn là những tấm gương sáng cho mọi người và toàn xã hội noi theo.

Chúc phong trào thi đua của chúng ta tiếp tục phát triển và giành nhiều thắng lợi mới, to lớn hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục