Tạo động lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng

Chuyên gia nhận định thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng đã lấy lại nhịp phát triển cùng sự cải thiện trong công suất thuê khách sạn, nguồn cung và sức hấp thụ của biệt thự nghỉ dưỡng.
Tạo động lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng ảnh 1Hiện bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được xem là phân khúc chủ đạo của thị trường Đà Nẵng trên cả lĩnh vực khách sạn cũng như biệt thự nghỉ dưỡng. (Nguồn: TTXVN)

Sau hai năm đại dịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Đà Nẵng tuy đã dần quay trở lại nhưng tốc độ chưa đạt được như mức trước dịch.

Các yếu tố nền tảng về kinh tế vĩ mô, sự phát triển trong cơ sở hạ tầng, nhân lực, sức hút đầu tư nước ngoài và sự ưu đãi của thiên nhiên cho các hoạt động du lịch vẫn được giữ vững.

Đây cũng là yếu tố quan trọng, góp phần tạo động lực và lan tỏa sức hấp dẫn cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.

Dồi dào nguồn cung

Hiện bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được xem là phân khúc chủ đạo của thị trường Đà Nẵng trên cả lĩnh vực khách sạn cũng như biệt thự nghỉ dưỡng.

Các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam nhận định kể từ khi mở cửa du lịch trở lại, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng đã lấy lại nhịp phát triển cùng sự cải thiện trong công suất thuê khách sạn, nguồn cung và sức hấp thụ của biệt thự nghỉ dưỡng.

Mặc dù chưa đạt được mức trước dịch nhưng triển vọng tích cực của nền kinh tế và sự kỳ vọng phục hồi du lịch, cộng thêm việc sở hữu những yếu tố nền tảng hấp dẫn, bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng hoàn toàn có thể kỳ vọng bứt phá thời gian tới.

[Bất động sản du lịch Đà Nẵng phục hồi nhanh sau dịch COVID-19]

Về phân khúc khách sạn, nguồn cung khách sạn tại thị trường Đà Nẵng trong năm 2022 đạt 15.685 phòng từ 117 dự án; trong đó khách sạn 5 sao chiếm 61% số phòng. Tuy nhiên, công suất chỉ ở mức 48%, vẫn thấp hơn 13% so với cả năm 2019.

Riêng khách sạn từ 4-5 sao mang thương hiệu quốc tế vẫn chứng tỏ được sức hút của mình với thị trường khi có giá trung bình cao hơn 40% và công suất thuê cao hơn 8% so với các thương hiệu trong nước và tự quản lý.

Tại Đà Nẵng, các đơn vị quản lý quốc tế vận hành 15 khách sạn từ 4 đến 5 sao, tương đương với 26% nguồn cung, trong đó Accor là đơn vị quản lý quốc tế lớn nhất tại Đà Nẵng với các thương hiệu như Pullman, Novotel và Grand Mercure.

Về triển vọng nguồn cung, thị trường khách sạn tại Đà Nẵng sẽ đón nhận 39 dự án lớn bao gồm: JW Marriott Đà Nẵng Resort, Wyndham Solei và Crowne Plaza Bà Nà Hills. Phần nhiều các dự án sẽ ra mắt trong tương lai xa và sẽ giúp đáp ứng nguồn cầu gia tăng cũng như sự phục hồi của thị trường.

Đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung đến từ 18 dự án, chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn. Năm 2022, nguồn cung đã tăng 49% theo năm và nguồn cung sơ cấp đạt mức cao nhất trong 12 năm qua nhờ nguồn cung mới lớn.

Sự gia tăng nguồn cung đã phần nào phản ánh sự cải thiện trong tâm lý các chủ đầu tư sau khi không có nguồn cung mới nào năm 2020 và 2021.

Trong thời gian tới, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng trong tương lai gồm 15 dự án. Quận Ngũ Hành Sơn sẽ có nguồn cung lớn nhất với 55% thị phần.

Cùng đó, số căn biệt thự nghỉ dưỡng bán được trong 2 quý cuối của năm 2022 cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2016. Điều này là do các dự án mới ra có vị trí tốt, chiến lược tiếp thị mạnh mẽ và danh tiếng của chủ đầu tư đã thúc đẩy tình hình hoạt động.

Giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng khoảng 164 triệu đồng/m2, tăng 134% theo năm, chủ yếu do các dự án mới chào bán có mức giá cao.

Các thương hiệu quản lý như Furama, Accor, InterContinental Hotels Group (IHG), Hyatt và Fusion vẫn tiếp tục chiếm lĩnh phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng với 6 trong tổng số 18 dự án.

Khảo sát thị trường của Savills cho thấy kể từ năm 2018, giá thứ cấp trung bình của biệt thự nghỉ dưỡng có thương hiệu tăng 14% mỗi năm, trong khi giá của các dự án không có thương hiệu chỉ tăng 10% mỗi năm.

Đánh giá về nguồn cầu chung cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, nhận định nhận thức về thương hiệu giúp bất động sản có thương hiệu tạo ra khả năng tiếp cận nhóm người mua lớn hơn. Sản phẩm được nhà đầu tư lựa chọn thường có vị trí đẹp, sát biển. Đây là một lợi thế quan trọng khi được kết hợp với chất lượng xây dựng và pháp lý tốt, phát triển bởi chủ đầu tư uy tín và sở hữu đơn vị vận hành tên tuổi.

Tạo động lực để tăng tốc

Xét về kinh tế vĩ mô, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng đạt mức 14%, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước (8%). Tốc độ tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng đứng thứ ba trong cả nước, sau Khánh Hòa (21%) và Bắc Giang (19%).

Giá trị xuất khẩu tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và sự phục hồi của ngành du lịch đã giúp Đà Nẵng có sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc.

Trong năm 2022, doanh thu lưu trú và lữ hành của Đà Nẵng đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 380% theo năm và tăng 2,5% so với 2019.

Thêm vào đó, Đà Nẵng cũng là điển hình thành công về phát triển cơ sở hạ tầng với việc hình thành hàng loạt hạ tầng và hệ thống giao thông hiện đại. Đây là một trong những đầu mối giao thông của cả nước với sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt Bắc Nam và mạng lưới đường bộ rộng khắp.

Cùng đó, Sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay lớn thứ ba tại Việt Nam sau sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Đà Nẵng dự kiến sẽ nâng công suất của sân bay lên 25 triệu hành khách vào năm 2030 và 30 triệu vào năm 2050, từ mức 15 triệu hành khách ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, thành phố này đã lên kế hoạch phát triển 7 tuyến du lịch đường thủy nội địa đến năm 2025 và xây dựng đội tàu cao tốc, du thuyền, nhà hàng-khách sạn nổi sử dụng công nghệ xanh...

Tạo động lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng ảnh 2Một góc Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Lượng khách du lịch sau những hạn chế của đại dịch cũng được cải thiện trở lại, năm 2022, Đà Nẵng đón 7,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 224% theo năm; trong đó 1 triệu lượt khách quốc tế tăng 772% theo năm.

Khách nội địa đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm với 6,8 triệu lượt khách, tăng 196% theo năm. Mặc dù có sự tăng trưởng nhưng lượng khách quốc tế vẫn ở mức 4,8 triệu lượt năm 2018 và 5,2 triệu lượt năm 2019.

Bởi vậy, một trong những động lực quan trọng trong năm 2023 được mong đợi chính là sự trở lại của du khách quốc tế; trong đó có khách Trung Quốc với việc nối lại các tuyến du lịch đến Việt Nam từ ngày 15/3 vừa qua mang đến triển vọng tích cực cho nguồn cầu khách sạn của thành phố biển này.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, các yếu tố nền tảng về kinh tế vĩ mô, phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực, sức hút đầu tư nước ngoài và sự ưu đãi của thiên nhiên cho các hoạt động du lịch tại Đà Nẵng vẫn được giữ vững. Thậm chí, triển vọng của thị trường này sẽ được duy trì tích cực về dài hạn. Đây là những yếu tố nền móng tạo nên sức hấp dẫn của thành phố này trong mắt các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Sau đại dịch bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều bước chuyển mình tích cực, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư quay lại thành phố này. Với mục tiêu và định hướng phát triển đô thị thông minh và bền vững, ở giai đoạn tiếp theo, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển phân khúc bất động sản du lịch (khách sạn, nghỉ dưỡng), Đà Nẵng sẽ chú trọng tạo đà bứt phá cho phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục