Tạo "đòn bẩy" xuất khẩu thông qua xúc tiến thương mại, kinh tế số

Cùng với hoạt động kết nối giao thương, trong nửa đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức 6 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Hàng hóa tại Cảng Hải Phòng chờ thông quan. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hàng hóa tại Cảng Hải Phòng chờ thông quan. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Bên cạnh yếu tố về lạm phát ở nhiều quốc gia ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa thì vấn đề giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, phát triển bền vững… là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp.

Vì vậy, để duy trì được mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cũng như thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường, tận dụng các cơ hội từ hoạt động giao thương xúc tiến thương mại, đặc biệt là xu hướng bán hàng qua các nền tảng số, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tạo hiệu ứng hỗ trợ xuất khẩu

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong nửa đầu năm 2024 ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể: nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch tăng trưởng ở mức cao ước đạt 19,9%; Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt, trong khi xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đóng góp vào kết quả trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết hoạt động xúc tiến thương mại đã liên tục được đổi mới và đẩy mạnh, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi Số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trong năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã triển khai thực hiện 121 đề án trong đó có hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, thị trường tiềm năng, quảng bá năng lực xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Qua đó, hỗ trợ hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia hưởng lợi trực tiếp, hàng trăm hợp đồng, đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại với tổng giá trị đạt trên 125 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức 6 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, được thực hiện theo chuyên đề tổng hợp hoặc chuyên sâu theo nhóm thị trường và nhóm ngành hàng xuất khẩu.

Các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Việt Nam đã cung cấp chi tiết gần 180 báo cáo về cập nhật thông tin sở tại, cung cấp hơn 25 nội dung tham luận đánh giá thuận lợi, cơ hội, nhận định về những thách thức, rủi ro đối với hoạt động xuất-nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, cập nhật thông tin về những quy định, tình hình cung ứng, biến động thị trường, định hướng xuất khẩu, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam.

IMG_5547.JPG
Bộ Công Thương tổ chức kết nối giao thương, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đến nay, sự tham gia chủ động, tích cực của địa phương, hiệp hội ngành hàng, đông đảo doanh nghiệp đã giúp Hội nghị trở thành cầu nối trao đổi, thông tin hiệu quả, tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, hiệp hội ngành hàng đại diện cộng đồng doanh nghiệp ở trong nước với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu nhằm tận dụng tối đa cơ hội mới từ các thị trường, thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững và nhập khẩu hiệu quả.

Khai thác hiệu quả kênh online

Có thể thấy, trong nửa đầu năm, mặc dù thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, song công tác xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lại gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững… Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại.

Hơn nữa, việc mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như: tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương mà có thể phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số, trong đó “Thương mại điện tử sẽ là “từ khóa” xuyên suốt trong giai đoạn tới.

Ông Trần Quý Hiến, Giám đốc một đơn vị cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng điện tử Xuyên biên giới cho biết Việt Nam là nước hướng đến xuất khẩu, song hiện giờ hình thức chủ yếu vẫn thông qua phương thức truyền thống (hội chợ thương mại, các nhà nhập khẩu nước ngoài)…, trong khi xuất khẩu qua thương mại điện tử tương đối mới, do vậy khi chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình tiên tiến hơn, ứng dụng nhiều công nghệ mới của thế giới thì gặp nhiều rào cản.

Đơn cử, việc thiết kế mẫu mã, trước đây nhiều doanh nghiệp chủ yếu làm gia công theo mẫu mã do nhà nhập khẩu đặt hàng, nhưng hiện nay khi tham gia các sàn thương mại điện tử sẽ bán trực tiếp cho khách hàng, cho nên việc thiết kế bao bì, nhãn mác và mẫu mã là việc rất quan trọng. Tiếp đến là rào cản liên quan đến các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, hay chứng nhận, chứng chỉ nhập khẩu, doanh nghiệp còn thiếu… kể cả rào cản về nhân sự chất lượng cao biết về quảng cáo, truyền thông, marketing… Do đó, cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành nhằm tạo ra các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đi lên.

447689499_918819736924552_1989815051535260971_n.jpeg
Hoạt động giao thương, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú cho biết thời gian tới, Cục sẽ linh hoạt, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng vào các hoạt động xúc tiến thương mại số đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam cùng các thị trường tiềm năng; Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Cùng với đó, tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Đặc biệt là đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả các hoạt động thương mại, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết trong năm 2024 Hà Nội đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này.

Đặc biệt là tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục