Tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội

Thảo luận về dự án Luật về hội, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự án Luật cần đảm bảo cho công dân thuận lợi trong thực hiện quyền lập hội.
Tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 15/10, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật về hội.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với những quan điểm, yêu cầu xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Một số ý kiến nhấn mạnh tới việc dự án Luật phải thể chế hóa được quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của các đoàn thể nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước…

Vấn đề đối tượng là hội không có tư cách pháp nhân (khoản 4 Điều 7) được nhiều ý kiến quan tâm tại phiên thảo luận. Theo Tờ trình của Chính phủ, đối với hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ...), Chính phủ đề nghị không áp dụng Luật này vì các hội này không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần phân biệt quyền hội họp và quyền lập hội của công dân được quy định tại Điều 25 của Hiến pháp. Những việc như gặp gỡ, trao đổi thông tin của những người đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ … mà không có tổ chức chặt chẽ thì đó chỉ là việc công dân giao lưu, hội họp, không phải là tổ chức hội mà Luật này điều chỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tổ chức đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về hội, tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc của hội, có người đứng đầu đại diện cho hội (nhưng không đăng ký), do đó không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành về hội.

Việc dự thảo Luật không điều chỉnh loại hình tổ chức này là vấn đề cần được cân nhắc, bởi vì số lượng của loại tổ chức này rất lớn, nhưng không phải là hội theo quy định của dự thảo Luật thì việc quản lý, xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ rất khó thực hiện. Do đó, để bảo đảm quyền lập hội của công dân cũng như bảo đảm công tác quản lý nhà nước thì cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp với các loại hình tổ chức hội không có tư cách pháp nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển và nhiều ý kiến khác thể hiện sự tán thành với quan điểm của Chính phủ khi dự thảo luật không điều chỉnh đối với hội không có tư cách pháp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng để chặt chẽ, thuyết phục khi trình dự án Luật ra trước Quốc hội, Tờ trình của Chính phủ cần có báo cáo nêu rõ đối với những tổ chức không có tư cách pháp nhân thì sẽ chịu điều chỉnh của văn bản pháp luật nào, vai trò quản lý nhà nước thể hiện ra sao...

Đối với chính sách đối với hội, Chính phủ trình: căn cứ Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 và Công văn số 226-CV/TW ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Bộ Chính trị về hội quần chúng thì các hội do Đảng và Nhà nước có nhu cầu thành lập và đã được cấp kinh phí hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thể hiện như dự thảo luật còn cứng nhắc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo quy định rõ hội nào được thành lập do yêu cầu của Đảng, Nhà nước thì được Nhà nước tài trợ kinh phí. Những hội khác nếu được Nhà nước giao nhiệm vụ thì Nhà nước thanh toán kinh phí về nhiệm vụ được giao.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát (Điều 7), giải trình làm rõ nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho biết việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát là nguyên tắc được đặt ra cho việc xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, quy định cụ thể như thế nào để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát cần dựa trên quy định về thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật đã được rà soát theo các kiến nghị của đại biểu Quốc hội qua các lần thảo luận và được chỉnh lý theo hướng quy định rõ thời hạn giải quyết kiến nghị, trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả việc thực hiện nghị quyết giám sát..., đồng thời bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu lực, hiệu quả giám sát.

Theo dự kiến chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Luật trưng cầu ý dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục