Sáng 11/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (11/7/1994-11/7/2014) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự buổi lễ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết trong 20 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã không ngừng củng cố, xây dựng và trưởng thành, ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.” Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình 20 năm xây dựng và phát triển của Kiểm toán Nhà nước.
Với khuôn khổ pháp lý dần hoàn thiện, nhất là sau khi có Luật Kiểm toán Nhà nước và Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước ngày càng mở rộng. Quy mô hoạt động kiểm toán tăng dần qua từng năm, đa dạng về loại hình và phương thức kiểm toán. Chất lượng và hiệu quả kiểm toán có nhiều tiến bộ. Với nhiều giải pháp đồng bộ, Kiểm toán Nhà nước đã bám sát và tổ chức thực hiện quyết liệt các mục tiêu, định hướng, giải pháp trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng kiểm toán đã tiến bộ rõ nét. Việc cung cấp báo cáo kiểm toán, công bố công khai kết quả kiểm toán được thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công.
Trong 20 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện kiến nghị xử lý tài chính 147.580 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước gần 29.150 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 22.365 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Ngân sách Nhà nước 1996; Luật bảo hiểm xã hội; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là những đóng góp thiết thực của Kiểm toán Nhà nước với chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Kiểm toán Nhà nước đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của Kiểm toán Nhà nước trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển.
Biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của Kiểm toán Nhà nước chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho Quốc hội trong quá trình xem xét, phê chuẩn, quyết toán ngân sách Nhà nước phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội; cung cấp thông tin có tính chuyên môn cao giúp cho Hội đồng nhân dân các cấp trong việc giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các bộ, ngành cải thiện và nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.
Các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã giúp Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thấy được những bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật và chính sách hiện hành cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước...
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động kiểm toán, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao hiệu lực của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; thực hiện tốt Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến đến năm 2020.
Kiểm toán Nhà nước chú trọng đổi mới các loại hình kiểm toán, trong đó đi sâu vào việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực quản lý sử dụng tài chính, tài sản công nhằm cung cấp thông tin tin cậy, trung thực, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ; trong công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Kiểm toán Nhà nước phát hiện và khách quan chỉ ra những vấn đề đúng, sai, ưu điểm, khuyết điểm để giúp các đơn vị được kiểm toán thấy rõ những hạn chế, bất cập cần khắc phục, từ đó đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp. Kiểm toán Nhà nước quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng, năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành kiểm toán sao cho hiệu quả, chuyên nghiệp trên tinh thần cải cách hành chính; xác định đúng đắn vấn đề cần kiểm toán và kiểm toán kịp thời; tăng cường giáo dục bồi dưỡng trình độ đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác, phối hợp với các cơ quan hữu quan, trong đó có các cơ quan của Quốc hội để nâng cao hiệu quả công tác, hiệu lực của các kết luận và kiến nghị của Kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước chủ động, tích cực phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, học tập có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế và cơ quan Kiểm toán trên thế giới, góp phần tăng cường vị thế của Kiểm toán Nhà nước trên trường quốc tế...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội sẽ sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, trước mắt, tập trung sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn các kiểm toán viên tiếp tục phát huy truyền thống công minh, chính trực, tâm sáng, nỗ lực cao nhất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng Kiểm toán Nhà nước và đội ngũ kiểm toán viên có uy tín, nghề nghiệp tinh thông, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.../.