Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sắp diễn ra trên toàn quốc.
Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những khó khăn, thuận lợi của các ứng viên nữ, cũng như những đề xuất, kiến nghị nhằm tạo điều kiện để phụ nữ tham chính nhiều hơn trong thời gian tới.
- Xin bà cho biết Hội Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng, triển khai những hoạt động gì hướng dẫn phụ nữ cả nước tham gia công tác bầu cử an toàn, hiệu quả?
Bà Hà Thị Nga: Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2121-2026.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, quán triệt sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các cấp Hội và hội viên, phụ nữ thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người, trường hợp cần thiết phải tổ chức thì phải chấp hành nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Ở nhiều nơi, thay cho việc tổ chức sinh hoạt hội viên, cán bộ Hội đạp xe mang các biểu ngữ tuyên truyền về bầu cử và phòng, chống COVID-19 đi lưu động qua các thôn xóm, hoặc chở loa tuyên truyền trên xe máy, phát tờ rơi và các sản phẩm truyền thông (quạt, mũ…) trực tiếp đến hội viên.
Các tờ rơi tuyên truyền bầu cử có in nội dung thực hiện 5K, hướng dẫn cài đặt Bluezone và khai báo y tế, đăng tải số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống COVID-19 của địa phương.
[Bầu cử Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng tiếp tục nâng cao tỷ lệ đại biểu nữ]
Các hoạt động tuyên truyền trên các nền tảng trực tuyến cũng được đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã chủ động xây dựng sản phẩm tuyên truyền về nội dung của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với nhiều hình thức như tiểu phẩm truyền thanh, trắc nghiệm trực tuyến, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân tương tác trên mạng xã hội như facebook, zalo.
Đặc biệt, trước bối cảnh hạn chế tụ tập đông người, Cổng thông tin điện tử, trang thông tin tổng hợp, Báo Phụ nữ, mạng xã hội của Trung ương Hội và các cấp Hội đẩy mạnh cung cấp thông tin và chương trình hành động của các ứng cử viên nữ để hội viên, phụ nữ và nhân dân có điều kiện tìm hiểu thông tin.
Các bài viết về cách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi đi bầu cử được chia sẻ rộng rãi trên trang mạng xã hội của các cấp Hội, giúp hội viên thêm yên tâm khi thực hiện quyền công dân.
- Theo bà, những ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nữ có khó khăn, thuận lợi gì trong quá trình vận động bầu cử?
Bà Hà Thị Nga: Trước hết, quy định tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm ít nhất 35% không chỉ để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là cơ hội để các nữ ứng cử viên phát huy được trình độ, kiến thức, khả năng, kinh nghiệm, quan điểm của mình trong quá trình vận động bầu cử, khắc phục khó khăn, tự tin khẳng định mình.
Đặc biệt, những nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân luôn được sự quan tâm, đồng hành tích cực của tổ chức Hội các cấp trong việc giới thiệu, hỗ trợ, giúp đỡ hoàn thiện hồ sơ ứng cử.
Các nữ ứng cử viên này còn được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, có thêm nhiều kiến thức, tự tin, kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động thu thập và xử lý thông tin, xây dựng kỹ lưỡng chương trình hành động để tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử; được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn thông qua các lớp tập huấn do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Hiện nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã và đang tích cực thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong giám sát việc ban hành văn bản triển khai thực hiện các quy định nhằm đảm bảo tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân hoàn thành nghiêm túc trách nhiệm của công dân trực tiếp đi bỏ phiếu, sáng suốt lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài, đủ tiêu chuẩn, chú trọng tới các nữ ứng cử viên để tham gia các cơ quan dân cử.
Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật đã bước đầu có hiệu quả.
Thông qua việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là việc sử dụng hiệu quả kênh truyền thông online và các sản phẩm truyền thông trực quan, sinh động, nhiều cử tri cũng đã ý thức được rằng, việc tham gia của phụ nữ sẽ góp phần xây dựng chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần vào sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Bên cạnh thuận lợi, cũng có nhiều khó khăn trong bối cảnh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri phải thực hiện theo yêu cầu giãn cách, hạn chế số lượng người tham dự, ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả vận động bầu cử.
Đặc biệt, khi vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến cũng khiến cử tri khó có điều kiện trao đổi trực tiếp và tìm hiểu thêm thông tin về ứng cử viên.
Bên cạnh đó, định kiến giới về vai trò và năng lực lãnh đạo của phụ nữ là rào cản vô hình, hạn chế cơ hội trúng cử và tham chính của phụ nữ. Ngay cả nữ cử tri cũng chưa nhận thức đúng về vai trò của nữ đại biểu sẽ đại diện cho giới mình.
Việc sắp xếp danh sách nam, nữ trong một số đơn vị bầu cử còn chưa tương đương về tuổi đời, chức vụ, trình độ, kinh nghiệm…, nên có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ trúng cử của phụ nữ.
- Theo bà, tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện tại đã phù hợp chưa và bà có những kiến nghị gì giúp cho phụ nữ có điều kiện tham gia vào hệ thống chính trị?
Bà Hà Thị Nga: Sau Hội nghị hiệp thương lần 3, hiện nay, tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đạt trên 45% (393 nữ/866 người), vượt chỉ tiêu 35%, tăng so với khóa XIV; đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong bốn khóa bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây, riêng khối Trung ương có tỷ lệ gần gấp đôi so với khóa XIV.
Nữ ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều vượt chỉ tiêu và tăng so với nhiệm kỳ trước: cấp tỉnh đạt 40,8% (tăng 1,1%), cấp huyện đạt 42,1% (tăng 1,3%), cấp xã đạt 39% (tăng 1,3%).
Đây là tín hiệu rất đáng mừng vì chúng ta đã thực hiện được đúng quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội hội đồng nhân dân, đảm bảo ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trong thời gian tới, để giúp cho phụ nữ có điều kiện tham gia vào hệ thống chính trị, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.
Các cơ quan truyền thông cần có sự bình đẳng trong tuyên truyền giữa người ứng cử là nữ với người ứng cử là nam; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và sự đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, khi tuyên truyền không khắc sâu các định kiến giới hiện có...
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng cường công tác giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội, chú trọng nội dung tỷ lệ nữ ứng cử tại các địa phương và các đơn vị bầu cử.
Đồng thời, có giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm tỷ lệ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của khoản 3, Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Yếu tố đặc biệt quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Các ứng viên nữ cần nêu cao tinh thần tự chủ, vươn lên, hoàn thiện phẩm chất, năng lực; phát huy thế mạnh của mình để trình bày chương trình hành động sao cho ngắn gọn, thuyết phục, chân thành, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, vì lợi ích của nhân dân.
Về phía tổ chức Hội, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành; hỗ trợ các nữ đại biểu dân cử sau khi được bầu làm tốt hơn vai trò đại diện cho nhân dân và cũng là đại diện cho phụ nữ; chủ động hơn nữa trong đề xuất chính sách tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao và phát triển cán bộ nữ...
- Trân trọng cảm ơn bà./.