Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII, sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.
Cần có chính sách phù hợp thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, các chính sách bảo hiểm xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội...
Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) cho rằng, dự án Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bổ sung quy định chế độ hưu trí, tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính mức lương hưu hằng tháng.
Tuy nhiên, dự án Luật vẫn để chung người lao động trong khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang với các nhóm đối tượng khác; quy định cách tính lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực trở đi như lao động ở khu vực phi Nhà nước và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cách tính như vậy sẽ làm giảm tiền lương hưu, ảnh hưởng lớn tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu.
Đại biểu đề nghị, dự án Luật cần tách đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thành một chương riêng và giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội), dự án Luật đã cụ thể một số điều, khoản có lợi hơn cho đối tượng đóng bảo hiểm xã hội; thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới khi bổ sung quy định cả nam và nữ được hưởng chế độ nghỉ khi sinh con, nuôi con nuôi.
Đại biểu đề nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã cần quan tâm và có chính sách phù hợp thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là loại hình bảo hiểm tự nguyện. Việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội phải đi đôi với chế độ thụ hưởng, khuyến khích được người lao động tham gia.
Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định, thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội dưới 3 tháng là rất khó cho cả người lao động và doanh nghiệp. Bởi, đây là thời gian người lao động thử việc, doanh nghiệp chưa chính thức ký hợp đồng lao động. Do vậy, quy định đóng bảo hiểm xã hội dưới 3 tháng là không khả thi.
Đổi mới và tạo sức hút mạnh mẽ đối với người học nghề
Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các đại biểu cho rằng, Luật Dạy nghề ban hành từ năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của hoạt động dạy nghề.
Tuy nhiên, hoạt động dạy nghề thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Phân bổ mạng lưới cơ sở dạy nghề chưa hợp lý. Cơ cấu ngành đào tạo theo nghề và trình độ đào tạo chưa cân đối, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương…
Đề cập về chính sách đối với người học nghề, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cơ bản nhất trí với việc bổ sung thêm một số chính sách ưu đãi đối với người học nghề thể hiện tại Điều 65 của dự án Luật.
Tuy nhiên, những chính sách này chưa đủ mạnh, chưa sát với đặc điểm, tính chất của dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay. Cốt lõi của việc sửa đổi chính sách đối với người học nghề là phải làm sao để người dân tự giác học nghề, say sưa với việc học nghề.
Do đó, để đổi mới và tạo sức hút mạnh mẽ hơn nữa đối với người học nghề, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung thêm một số chính sách, hình thức ưu đãi khác cho người học nghề sau khi tốt nghiệp như: chính sách tiền lương, tiếp tục được đào tạo nâng cao tay nghề, tôn vinh người lao động giỏi.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển dạy nghề (Điều 7), đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) nhận định, dự thảo Luật đã quy định phân luồng học sinh nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa giải quyết được thực trạng hiện nay là các trường Đại học mở quá nhiều, học sinh đa số vào Đại học dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp không xin được việc, gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Đề cập về trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, đại biểu Đào Văn Bình đề nghị, dự án Luật bổ sung quy định về chế tài xử phạt khi doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ quy định trong Luật nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp không nhiệt tình trong hoạt động đào tạo nghề.
Tại buổi làm việc, các đại biểu còn đóng góp ý kiến vào các nội dung: chính sách của Nhà nước đối với phát triển dạy nghề; xác định loại hình cơ sở dạy nghề; xã hội hóa hoạt động dạy nghề./.