Tạo điều kiện để người dân miền núi tiếp cận dịch vụ công chứng

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần 6, diễn ra chiều 28/8, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 28/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Đây là Dự thảo đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, với vấn đề lớn còn có quan điểm khác nhau về mô hình của văn phòng công chứng.

Một số ý kiến tán thành với quy định của Dự thảo về mô hình của văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, ý kiến khác cho rằng nên quy định loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng được thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị nên sửa đổi quy định trên theo hướng cho phép văn phòng công chứng được tổ chức theo 2 loại mô hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Lý do được đưa ra là tương tự như các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, đấu giá..., hoạt động công chứng cũng là một hoạt động mang tính chất bổ trợ tư pháp.

Theo quy định hiện hành, các loại nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, tư vấn pháp luật, đấu giá đều được cho phép tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm đa dạng hóa loại hình tổ chức, thúc đẩy phát triển xã hội hóa các ngành nghề bổ trợ này.

ttxvn_dai bieu chuyen trach Nguyen Minh Tam.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 177, 188 của Luật Doanh nghiệp, cả hai loại hình doanh nghiệp là công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân tuy có sự khác nhau về số lượng thành viên làm chủ doanh nghiệp, nhưng có sự giống nhau là chủ doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Như vậy, về mặt mô hình cả 2 loại hình doanh nghiệp này đều có thể tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng bởi chế độ trách nhiệm vô hạn.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) chia sẻ ở địa phương có 6/21 huyện miền núi chưa có tổ chức hành nghề công chứng. Người dân tại khu vực này khi có nhu cầu công chứng phải di chuyển trên 50km, xa nhất như huyện Kỳ Sơn phải di chuyển 200km mới có văn phòng công chứng. Theo đại biểu, bỏ loại hình tư nhân không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức của văn phòng công chứng mà còn gây khó khăn trong tổ chức hoạt động.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết để tổ chức phiên giải trình vào năm 2023, Ủy ban Pháp luật có đi khảo sát một số địa phương, thấy nhiều địa phương giải thể phòng công chứng nhà nước, nhưng sau đó không thể thành lập được phòng công chứng nữa. Đại biểu Nguyễn Trường Giang lấy ví dụ ở Bắc Giang, tại 2 huyện Sơn Động và Yên Thế đang “trắng” tổ chức hành nghề công chứng.

Về phương án cho phép thành lập mô hình tư nhân 1 công chứng viên, đại biểu Giang cho rằng lo ngại một công chứng viên hành nghề có đảm bảo tính liên tục hay không không phải vấn đề lớn nếu thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Người sử dụng công chứng hoàn toàn có thể đặt lịch và công chứng viên có thể công khai thời điểm cung cấp dịch vụ. Do đó, việc có cung cấp dịch vụ liên tục hay không cũng là vấn đề đáng lo ngại, nhưng áp dụng công nghệ thông tin thì không đáng lo ngại.

Cũng theo đại biểu Giang, phương án khả thi hơn là “mở khóa” dịch vụ công chứng, như với quy định hạn chế công chứng ngoài trụ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục