Nhằm góp phần cùng cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người sử dụng lao động triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án về bầu cử theo hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trong đó có giải pháp, phương án cụ thể đối với công nhân, lao động trong diện phải cách ly y tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về những hoạt động của tổ chức Công đoàn liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
- Xin ông cho biết tổ chức Công đoàn đã thực hiện công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công nhân, viên chức, lao động như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Khang: Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền và phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hướng tới ngày bầu cử, ngay từ tháng Ba vừa qua, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn số 85/TLĐ-TG hướng dẫn và ban hành đề cương về tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Kế hoạch số 103/KH-TLĐ về phát động đợt thi đua cao điểm góp phần thực hiện tốt cuộc bầu cử.
Gần đây nhất, Tổng Liên đoàn có Công văn số 1901/TLĐ hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai một số nội dung về công tác tuyên truyền cuộc bầu cử.
Theo đó, các cấp Công đoàn tập trung vào 3 hoạt động chính: Tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm “Công nhân, viên chức, lao động với ngày hội của toàn dân" đến mọi đoàn viên và người lao động cả nước; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, kêu gọi đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong bầu cử.
Sau hai tuần triển khai, đã có 535.000 lượt đoàn viên công nhân, viên chức, lao động cả nước tham gia thi tìm hiểu về bầu cử trên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam.
[Bảo đảm để Ngày hội toàn dân thực sự vui, dân chủ, đúng luật, an toàn]
Hoạt động thứ hai là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các cấp Công đoàn, đảm bảo đúng định hướng chính trị, tư tưởng, chất lượng, hiệu quả. Tổ chức Công đoàn đề xuất với người sử dụng lao động bố trí thời gian sản xuất phù hợp, đảm bảo quyền của công nhân, lao động trong việc thực hiện quyền ứng cử, bầu cử. Các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát và hướng dẫn công nhân, lao động khi tham gia bầu cử.
Đến nay, 100% Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đều tổ chức tuyên truyền để công nhân, viên chức, lao động hiểu các quy định của pháp luật về bầu cử, ý nghĩa quan trọng của việc bầu người đại diện cho nhân dân tham gia cơ quan quyền lực của Nhà nước, cũng như quyền, trách nhiệm công dân của mỗi công nhân, viên chức, lao động. Trong đó, các cấp Công đoàn đã sử dụng hiệu quả việc tuyên truyền trên Internet, thông qua mạng xã hội để đưa thông tin cần thiết tới công nhân, viên chức, lao động.
- Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sắp diễn ra, trong khi dịch COVID-19 đang bùng phát. Xin ông cho biết tổ chức Công đoàn đã triển khai những hoạt động gì giúp công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tham gia bầu cử an toàn, nhất là với công nhân, lao động đang trong diện cách ly y tế?
Ông Nguyễn Đình Khang: Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, Tổng Liên đoàn đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo hệ thống Công đoàn tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động, quyết liệt có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới trong phòng, chống dịch; tiếp tục quán triệt nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động yên tâm sản xuất, không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến mới của dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương; tuân thủ nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhất là việc bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và yêu cầu khai báo y tế; thông báo cho cơ sở y tế gần nhất khi cá nhân có dấu hiệu nghi mắc dịch bệnh...
Cùng với đó, Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu Công đoàn các cấp trong công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử, các cấp Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người sử dụng lao động triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án về bầu cử theo hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; trong đó có giải pháp, phương án cụ thể đối với công nhân, lao động trong diện phải cách ly y tế.
Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình công nhân, lao động để kịp thời phản ánh đến Ban Chỉ đạo bầu cử ở địa phương; tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri là đoàn viên, người lao động đề cao trách nhiệm công dân, gương mẫu tham gia bầu cử theo quy định, tuân thủ quy định phòng, chống dịch tại nơi bầu cử, góp phần cùng cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử.
- Tổng Liên đoàn nhận định như thế nào về nguy cơ bùng phát ổ dịch tại các khu công nghiệp, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, cũng như những tác động của đợt dịch đến đời sống công nhân?
Ông Nguyễn Đình Khang: Từ những đợt dịch đầu tiên, chúng tôi đã đưa ra dự báo nguy cơ bùng phát dịch trong công nhân, lao động là rất lớn, nhất là tại các khu công nghiệp. Đây là nơi có mật độ công nhân tập trung lớn, di chuyển rộng, công nhân, lao động lại ở cùng nhau hoặc gần nhau nên khi xuất hiện các ca bệnh F0, tốc độ lây lan sẽ càng nhanh. Có khả năng sẽ có thêm các ca dương tính trong số các F1 đã cách ly, cũng có thể có ca dương tính ngoài số đã cách ly.
Tính đến ngày 20/5, cả nước đã ghi nhận gần 600 công nhân lao động mắc COVID-19 tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố. Con số này có thể sẽ tăng lên hàng ngày do số lượng công nhân, lao động thuộc diện F1, F2 còn tương đối lớn. Đi kèm với số ca bệnh F0 là hàng chục nghìn công nhân, lao động tại các doanh nghiệp có ca dương tính phải nghỉ việc để cách ly tập trung và cách ly tại nhà bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, nhằm đảm bảo phòng, chống dịch.
Trước hết, đợt dịch này đang tác động trực tiếp đến sức khỏe của người lao động. Các trường hợp F0 đang phải điều trị bệnh, trong khi một bộ phận công nhân có sức đề kháng yếu là vấn đề rất đáng lo ngại.
Hầu hết, người lao động là trụ cột chính của gia đình, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân, lao động. Ban đầu có thể công nhân, lao động nghỉ việc với mức lương, thu nhập giảm, nhưng nếu lâu dài có thể không có lương, không có tiền trang trải cuộc sống, nguy cơ mất việc và đói nghèo là rất cao. Không chỉ vậy, dịch bệnh còn tác động trực tiếp đến việc chăm lo, học hành của con cái họ là điều rất đáng quan tâm.
- Tổ chức Công đoàn có giải pháp gì để hỗ trợ đoàn viên, người lao động?
Ông Nguyễn Đình Khang: Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định dành trên 1,5 tỷ đồng để trao tặng 1.550 suất quà thăm hỏi, động viên công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa.
Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, nhất là tại 8 địa phương đang có công nhân, lao động dương tính với SARS-CoV-2 đã chủ động trích kinh phí Công đoàn để kịp thời hỗ trợ khó khăn, mua trang thiết bị phòng, chống dịch, động viên công nhân, lao động phải nghỉ việc cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người lao động thuê trọ, người lao động mất hoặc giảm thu nhập…
Đến nay, đã có hàng trăm tỷ đồng được các Công đoàn ngành, địa phương chi hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; thương lượng với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp, bảo đảm việc làm cho người lao động; kiến nghị với các doanh nghiệp (có các trường hợp F1, F2 phải nghỉ việc) đảm bảo duy trì thu nhập, hỗ trợ các F1 phải cách ly tập trung; hỗ trợ kinh phí gửi con cho đoàn viên, công nhân, lao động ngoại tỉnh có con nhỏ phải nghỉ học...
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ giao các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ khẩn cấp cho lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch; cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kể từ ngày 27/4 vừa qua. Trong đó, hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung 10-50 triệu đồng/đơn vị; hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch tối đa 3 triệu đồng/người.
Công đoàn hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F1 phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tối đa 1,5 triệu đồng/người. Đồng thời, hỗ trợ đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tối đa 1,5 triệu đồng/người.
Tổng Liên đoàn hỗ trợ đoàn viên, người lao động có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tối đa 500.000 đồng/người.
Cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch được hỗ trợ từ 80.000-150.000 đồng/người/ngày, tùy theo cấp công đoàn, tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch.
Các cấp Công đoàn đang khẩn trương cập nhật danh sách đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng, trước hết là thuộc các F0, F1 để có phương án hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội để chung tay với doanh nghiệp, cộng đồng xã hội kịp thời ứng phó và hỗ trợ đoàn viên, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19 để Công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, động viên, khích lệ đoàn viên, người lao động vượt qua đại dịch.
- Là người đứng đầu tổ chức Công đoàn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, xin ông cho biết những mong muốn chính đáng của đoàn viên, người lao động gửi gắm đến Quốc hội khóa mới? Nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, ông sẽ làm gì để góp phần dại diện, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, người lao động?
Ông Nguyễn Đình Khang: Cử tri là công nhân, viên chức, lao động cả nước kỳ vọng Quốc hội khóa XV tiếp tục có những quyết sách đúng đắn trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đưa đất nước phát triển để thực hiện khát vọng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Đặc biệt, cử tri là công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước rất mong chờ và dõi theo các quyết sách của Quốc hội khóa XV đối với vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động, với mong muốn các chính sách sẽ giúp người lao động có việc làm ngày càng ổn định, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống cả vật chất và tinh thần.
Trong đó, cử tri đặc biệt mong muốn đại biểu Quốc hội trúng cử tại các địa phương có đông công nhân, lao động, nhiều khu công nghiệp sẽ thể hiện đầy đủ vai trò người đại biểu nhân dân, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe nguyện vọng của công nhân, lao động, từ đó có tiếng nói cũng như chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguyện vọng của công nhân, lao động đến diễn đàn Quốc hội để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động-lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Là người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Ninh Thuận, tôi cũng đã thực hiện các cuộc tiếp xúc cử tri theo đúng quy định của pháp luật và trình bày chương trình hành động của mình. Trong đó cam kết, nếu được nhân dân Ninh Thuận tín nhiệm lựa chọn, tôi sẽ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, xứng đáng là người được đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân; tích cực tham gia cùng các đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết có hiệu quả các nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri và nhân dân, trong đó có đoàn viên, người lao động.
Nếu được cử tri tín nhiệm, là người đứng đầu tổ chức Công đoàn tham gia Quốc hội khóa XV, tôi sẽ chủ động, tích cực tham gia vào công tác lập pháp, giám sát tối cao, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật phù hợp với thực tiễn và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nhất là những luật, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động như Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, các chính sách về tiền lương, tiền công, phúc lợi, an sinh xã hội, đảm bảo cho giai cấp công nhân, người lao động thực hiện tốt vai trò vừa là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa được thụ hưởng những thành quả tương xứng với sự đóng góp của mình trong công cuộc đổi mới đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông./.