Tạo điều kiện cho dừa sáp "trăm tuổi" tại Trà Vinh được xuất ngoại

Dừa sáp Trà Vinh được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam từ năm 2012; Hiệp hội Dừa Việt Nam công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là: Cây dừa Việt Nam.”

Ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) thu hoạch dừa sáp. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) thu hoạch dừa sáp. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Thông tin từ Ban Tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, tổng doanh thu dịch vụ và tổng mức bán lẻ hàng hóa của huyện Cầu Kè dịp lễ hội (từ ngày 28-31/8) đạt gần 42 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm trước; trong đó, riêng đối với dừa sáp đạt doanh thu trên 10,8 tỷ đồng.

Trong tổng doanh thu dịp lễ hội, doanh thu từ các gian hàng hội chợ đạt gần 7,5 tỷ đồng, bán lẻ hàng hóa 14 tỷ đồng, dịch vụ ăn uống trên 4 tỷ đồng; các dịch vụ lưu trú, cửa hàng, siêu thị và dịch vụ khác khoảng 5,5 tỷ đồng...

Dịp này, các nhà vườn huyện Cầu Kè và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa sáp cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế khoảng 9.000 quả dừa sáp, 500 cây dừa sáp giống và hàng chục tấn sản phẩm chế biến từ dừa sáp.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) là đơn vị chế biến sâu nhiều dòng sản phẩm từ dừa sáp nhất Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.

Ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty Chế biến Dừa sáp Cầu Kè cho biết, dịp lễ hội năm nay, công ty mang đến hội chợ tất cả các loại sản phẩm do công ty chế biến từ dừa sáp như: dừa sáp trái hút chân không, kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan, bánh dừa sáp, sữa chua uống dừa sáp...; trong đó, có 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 1 sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.

ttxvn_dua sap tra vinh (1).jpg
Vườn dừa sáp 1,5ha của gia đình ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh). (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Hơn mười ngày qua, công ty đã cung ứng cho thị trường trên 10 tấn sản phẩm, với doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng, cao gấp 3 lần doanh thu bình quân mỗi tháng và cao gấp 3 lần so với dịp lễ hội cùng kỳ năm trước.

Ngoài các sản phẩm mang đến hội chợ, dịp lễ hội này, công ty đã kết nối được với nhiều đối tác nước ngoài để cung ứng sản phẩm chế biến từ dừa sáp; đặc biệt, công ty đã ký kết được 3 hợp đồng xuất khẩu hơn 1,2 tấn kẹo dừa sáp, dừa sáp sấy và sữa chua dừa sáp sang thị trường Mỹ.

Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh, nhằm tôn vinh, quảng bá loại trái cây đặc sản số một của tỉnh. Tỉnh Trà Vinh hiện trồng khoảng 250.000 cây dừa sáp trên diện tích 1.277 ha, cho sản lượng trên 3,3 triệu quả/năm.

Dừa sáp Trà Vinh được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam từ năm 2012; Hiệp hội Dừa Việt Nam công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là: Cây dừa Việt Nam.”

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” với sản phẩm “Quả dừa sáp.”

Ông Trần Phong Ba, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè cho biết, hiện nay, dừa sáp là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất, chiếm diện tích lớn ở huyện Cầu Kè, vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của tỉnh.

Toàn huyện có hơn 171.400 cây dừa sáp, được trồng trên diện tích 1.145 ha, sản lượng trung bình hàng năm trên 3 triệu quả.

Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, cải thiện đáng kể thu nhập của hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè; trong đó, hộ Khmer chiếm trên 70%.

Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 25-31/8 (nhằm ngày 22 -28/7 Âm lịch) với nhiều hoạt động ý nghĩa như: hội chợ thương mại-nông nghiệp, phiên chợ trái cây ngon, không gian ẩm thực và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tọa đàm kết nối, phát triển du lịch địa phương…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, đây là dịp tỉnh Trà Vinh tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa sáp nhằm thắt chặt liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến sâu đến thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu, đưa thương hiệu dừa sáp Trà Vinh vươn xa.

Đồng thời, thông qua sự kiện này, tỉnh Trà Vinh đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế, danh mục các dự án tỉnh đang kêu gọi đầu tư, cùng các chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, địa phương; nhất là lĩnh vực chế biến nông sản và du lịch đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục