Đổi mới chính sách quản lý hộ kinh doanh đang được xem là một trong những "mũi nhọn" thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là bước đi chiến lược của ngành Thuế trong việc hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về "bộ tứ chiến lược" đột phá khoa học-công nghệ-đổi mới sáng tạo-chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy, phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế.
Để làm rõ những thay đổi then chốt trong chính sách thuế quản lý hộ kinh doanh hiện nay và kỳ vọng vào những đổi mới này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế.
Hộ kinh doanh đóng góp gần 30% GDP hàng năm
- Thưa ông, hộ kinh doanh đóng vai trò thế nào trong nền kinh tế Việt Nam, và hệ thống chính sách thuế đã đồng hành cùng sự phát triển của khu vực này ra sao trong những năm qua?
Ông Mai Sơn: Từ sau đổi mới năm 1986, các hình thức kinh doanh “hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp và xí nghiệp tư doanh” đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Đến năm 2006, chúng ta thống nhất gọi chung là "hộ kinh doanh" và là thành phần kinh tế không thể thiếu trong bức tranh phát triển của đất nước.

Đề xuất lộ trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh
Từ ngày 1/7, chủ hộ kinh doanh bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất lộ trình thu hợp lý để các chủ hộ kinh doanh có sự chuẩn bị khi tham gia vào hệ thống.
Theo số liệu từ Cục thống kê, khu vực kinh tế hộ gia đình và cá nhân đóng góp gần 30% GDP hàng năm, tạo việc làm cho khoảng 10 triệu lao động, chiếm khoảng 20% lực lượng lao động cả nước. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Đồng hành cùng sự phát triển của hộ kinh doanh, hệ thống chính sách thuế Việt Nam đã không ngừng đổi mới. Giai đoạn 2010-2015, Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi năm 2012) ban hành quy định áp dụng cơ chế khoán thuế đơn giản cho hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2009 quy định hộ kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho thuế thu nhập doanh nghiệp và bắt đầu triển khai kê khai thuế điện tử tại các thành phố lớn. Giai đoạn 2016-2020, Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp đã sửa đổi với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó giảm đáng kể về lệ phí môn bài cho hộ kinh doanh (Nghị định 139/2016/NĐ-CP) đồng thời thí điểm triển khai hóa đơn điện tử (Nghị định 119/2018/NĐ-CP).

Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025 với sự đột phát trong Luật Quản lý thuế (số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ 1/7/2020) với nhiều đổi mới quan trọng. Đây là bước tiến lớn trong việc chuyển dần từ phương pháp thuế khoán sang phương pháp thuế kê khai (yêu cầu các hộ kinh doanh quy mô lớn phải thực hiện kê khai thay vì thuế khoán; hộ kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai thì vẫn được áp dụng). Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp thông qua các ưu đãi thuế, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu hoạt động và triển khai toàn diện hóa đơn điện tử từ 1/7/2022.
- Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, song kinh tế hộ kinh doanh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, xin ông chia sẻ đâu là những "điểm nghẽn" của vấn đề này?
Ông Mai Sơn: Đúng vậy, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu và đạt được kết quả thu ngân sách Nhà nước như trên, tuy nhiên các hộ kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng cũng như sự đóng góp chưa tương xứng vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Trên thực tế, khu vực kinh tế hộ kinh doanh vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Chúng tôi nhận thấy một số tồn tại, về khung pháp luật vẫn còn sự "phân biệt" giữa các loại hình kinh doanh, chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho hộ kinh doanh còn hạn chế, chưa phù hợp thực tế và chưa đủ hấp dẫn. Mặt khác, chính sách thuế còn có sự khác biệt so với doanh nghiệp, do nhiều hộ kinh doanh nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu về sổ sách, kế toán, hóa đơn, chứng từ, dẫn đến phải nộp thuế theo phương pháp khoán. Thêm vào đó, tâm lý chung của nhiều hộ kinh doanh với những lo ngại về gánh nặng thuế và chi phí tuân thủ khi chuyển đổi lên doanh nghiệp…
Đối tượng chịu thuế tự kê khai
- Trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, ngành Thuế có những giải pháp gì để hỗ trợ hộ kinh doanh thích ứng và phát triển, thưa ông?
Ông Mai Sơn: Bối cảnh các hoạt động kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ, bên cạnh những phương thức kinh doanh truyền thống, các hộ kinh doanh ngày càng đa dạng hơn với nhiều mô hình mới, từ thương mại điện tử, đến kinh tế chia sẻ-kết nối người cần và người có rất nhanh chóng, hiệu quả. Thậm chí, nhiều hộ kinh doanh đã vươn ra cung cấp dịch vụ xuyên biên giới... Tất cả những điều này đang tạo ra “bức tranh” kinh doanh đầy sống động và đa sắc.
Trước những đòi hỏi của thực tiễn, ngành Thuế đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới về chính sách thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Đây cũng là nền tảng hỗ trợ tối đa các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Về chính sách thuế, ngành đã nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định trong các văn bản pháp luật điều chỉnh về thuế (cụ thể là Luật Thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và Luật Quản lý thuế) theo hướng giảm dần sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Trong đó, chính sách quy định hộ kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế tự kê khai, tự nộp thuế đồng thời đơn giản hóa việc khai thuế, nộp thuế cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Cơ quan Thuế cũng nghiên cứu, đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp, Lệ phí môn bài khi hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Về quản lý thuế, ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đặc biệt là tăng cường kết nối, trao đổi chia sẻ cơ sở dữ liệu với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong công tác quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Đề án 06 của Chính phủ... Qua đó, Cơ quan Thuế nâng cao chất lượng quản lý cũng như hỗ trợ hiệu quả hơn đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp quy mô nhỏ. Song song với đó, Cục Thuế cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn về giải pháp phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử để ứng dụng công nghệ thông tin tự động tạo lập dữ liệu kế toán và khai thuế. Hoạt động này nhằm giúp các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ tự động hóa trong việc tuân thủ các quy định về thuế và kế toán.
- Vậy, ngành Thuế kỳ vọng gì vào những đổi mới này trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế hộ kinh doanh?
Ông Mai Sơn: Đổi mới chính sách quản lý hộ kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp về chính sách thuế và quản lý thuế sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp khu vực kinh tế tư nhân có thêm cơ hội vươn lên, trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước, sự thịnh vượng của dân tộc.
Để các chính sách thực sự hiệu quả, chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự đồng hành, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu