Tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, gồm 4 chương, 48 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng ngày 18/8. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 29/8, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, đã được thông qua tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.

Tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Khoản 3 Điều 4 Luật này quy định "Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng."

Như vậy, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Với những lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Pháp lệnh) gồm 4 chương, 48 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022.

Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Pháp lệnh này, bao gồm: 2 biện pháp đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng); 6 biện pháp khác đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực có liên quan (buộc xin lỗi công khai; buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra; buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra; buộc thu hồi thông tin sai sự thật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh).

Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Xử lý đúng với tính chất, mức độ vi phạm

Pháp lệnh quy định trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì có thể áp dụng các biện pháp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 119 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm: tạm giữ người; áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Nguyên tắc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thực hiện theo quy định tại Điều 120 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, Pháp lệnh quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với 3 nhóm hành vi.

Cụ thể, nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, gồm: Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; hành vi ngăn cản việc cấp, giao nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

[Thông qua dự án Pháp lệnh xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng]

Nhóm thứ hai là nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, gồm: hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền; hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án; hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc; hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án và hành vi đưa tin sai sự thật.

Nhóm thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp và hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.

Để bảo đảm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý đúng với tính chất, mức độ vi phạm theo pháp luật hành chính và pháp luật hình sự, Pháp lệnh quy định: khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục