Tạo cơ sở pháp lý xây dựng đội ngũ sỹ quan Quân đội vững mạnh

Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Sỹ quan để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt.”
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hậu Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 28/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Luật Sỹ quan).

Tờ trình nêu rõ, Luật Sỹ quan năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, năm 2014 và năm 2019 (Luật Dân quân tự vệ sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 41 Luật Sỹ quan).

Quá trình thực hiện, Luật Sỹ quan đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sỹ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Sỹ quan đã bộc lộ một số vướng mắc bất cập.

Ngoài ra, từ khi Luật Sỹ quan năm 1999 có hiệu lực thi hành (ngày 1/4/2000), đã có nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, như: Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Khám chữa bệnh năm 2023, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp năm 2024, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024... có quy định liên quan hoặc tác động đến đối tượng là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Sỹ quan để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt.”

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cơ bản nhất trí việc sửa đổi khoản 1 Điều 13 Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hậu Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sỹ quan còn nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sỹ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt.”

Thảo luận tại tổ về dự án Luật này, các đại biểu tán thành với việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sỹ quan; đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Việc xây dựng Luật cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội. Các đại biểu cũng thống nhất với việc xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình một kỳ họp.

Nhiều ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời tiếp tục rà soát toàn diện các bất cập của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tránh phải thực hiện sửa đổi nhiều lần.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Cơ quan soạn thảo là Bộ Quốc phòng và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tinh thần đổi mới cách thức xây dựng pháp luật của Quốc hội: đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn lại sẽ giao cho Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề như: chế độ, chính sách đối với sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; chức vụ của sỹ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan; về thăng quân hàm đối với sỹ quan tại ngũ; thăng quân hàm, nâng lương sỹ quan trước thời hạn...

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục