Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 24/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đánh giá về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
[Giảm 150 tỷ đồng mỗi tháng khi thống nhất 3 lực lượng an ninh cơ sở]
Luật điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, cụ thể tại các văn bản như Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Cùng với đó, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để lực lượng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy.
Đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn; do đó, việc ban hành Luật này là tạo cơ sở pháp lý để Công an xã bán chuyên trách sau khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
Việc xây dựng, ban hành Luật cũng bảo đảm phù hợp và để thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời, giúp công tác sắp xếp, bố trí Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Việc xây dựng, ban hành Luật cũng nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 34 điều với những nội dung cơ bản về vị trí, chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Dự thảo Luật quy định thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xác định rõ đây là lực lượng tham gia hỗ trợ Công an cấp xã trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về sắp xếp, bố trí lực lượng, dự thảo Luật quy định các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được sắp xếp, bố trí thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự thảo Luật cũng nêu một số nội dung quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở./.