Tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Việt Nam đứng thứ hai về số lượng phụ nữ giữ vị trí trong hội đồng quản trị ở các công ty niêm yết trong khu vực ASEAN ở mức 15,4% (sau Thái Lan là 20,4%).

Doanh nhân nữ tham gia phiên thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)
Doanh nhân nữ tham gia phiên thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 20/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo kết nối kinh doanh “Đa dạng nhà cung cấp và mua sắm có trách nhiệm giới.”

Hội thảo cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua mua sắm có trách nhiệm giới” (WE RISE Together) do Chính phủ Australia hỗ trợ thông qua Quan hệ Đối tác Mekong-Australia.

Các chuyên gia tại hội thảo chia sẻ báo cáo của sách trắng về Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối năm 2023, thì số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam chiếm hơn 20% trong tổng số doanh nghiệp hiện nay.

Còn theo dữ liệu của Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC, Việt Nam đứng thứ hai về số lượng phụ nữ giữ vị trí trong hội đồng quản trị ở các công ty niêm yết trong khu vực ASEAN ở mức 15,4% (sau Thái Lan là 20,4%).

ttxvn_2006_doanh nhan nu (3).jpg
Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, cho hay thị trường mua sắm toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD và thu hút sự tham gia của các tổ chức lớn và nhỏ, nhà nước và tư nhân, thông qua việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Ước tính, phụ nữ sở hữu khoảng 33% tổng số doanh nghiệp, nhưng trên toàn cầu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ nhận được 1% chi tiêu mua sắm công và tư nhân.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.

Việc tạo thêm cơ hội kinh tế cho phụ nữ không chỉ mang lại lợi ích cá nhân cho họ mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện.

Theo bà Caroline Nyamayemombe, hội thảo mang đến những câu chuyện thực tiễn của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về chính sách đa dạng nhà cung ứng và thực hiện trách nhiệm xã hội từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Hội thảo cũng là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, kết nối với các đối tác tiềm năng, được trực tiếp gặp gỡ đại diện đến từ các công ty, tập đoàn có chính sách mua hàng đa dạng, gồm Coca Cola, Winmart, PNJ, Sài Gòn Co-op, IPPG, Công ty An Phước, King Coffee...

ttxvn_2006_doanh nhan nu (2).jpg
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Còn ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng đa số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo ở Việt Nam đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp nữ còn gặp nhiều thách thức trong kinh doanh như rào cản về tiếp cận hỗ trợ tài chính; tiếp cân thông tin; hạn chế về kỹ năng quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh; tiếp cận công nghệ, thị trường...

Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard năm 2021 cũng cho thấy tốc độ tham gia vào hoạt động kinh doanh của phụ nữ tại Việt Nam không chỉ ngang bằng mà còn nhanh hơn nhiều so với nam giới, với tốc độ tăng trưởng chạm ngưỡng hơn 20%.

Vì vậy, cần có thêm nhiều sáng kiến, chương trình và giải pháp nhằm tháo gỡ các rào cản kinh doanh đối với phụ nữ, để phụ nữ có thể phát huy tiềm năng của họ và đóng góp hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Về phía VCCI, ông Võ Tân Thành cho biết thêm VCCI không ngừng nỗ lực thúc đẩy đa dạng hoạt động cụ thể và thiết thực, cũng như kết nối nỗ lực của các bên trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi cung ứng.

Đồng thời, VCCI tăng cường vai trò các doanh nghiệp bên mua về thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại thị trường, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục