Tạo cơ chế đột phá để thành phố Thủ Đức phát triển xứng tầm

Nếu không có cơ chế tạo đột phá thì mô hình thành phố Thủ Đức sẽ khó tạo ra động lực và cực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh đúng như kỳ vọng của Trung ương và nhân dân thành phố.
Tạo cơ chế đột phá để thành phố Thủ Đức phát triển xứng tầm ảnh 1Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối liền quận 1 và thành phố Thủ Đức. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhằm tạo cơ chế phát triển đặc thù tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội Khóa 14 đã ban hành Nghị quyết 131/2020/QH14 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) về tổ chức chính quyền đô thị và thành lập thành phố Thủ Đức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 1 năm thực hiện các Nghị quyết, thành phố Thủ Đức đã hình thành, hoạt động, từng bước đi vào ổn định.

Tuy nhiên, trải qua 1 năm chống dịch COVID-19 cũng như thiếu cơ chế đặc thù nên hoạt động mô hình “thành phố trong thành phố” vẫn chỉ mới "bắt đầu," vẫn hoạt động như cấp hành chính quận, huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trước đây.

Vì vậy, nếu không có cơ chế tạo đột phá thì mô hình thành phố Thủ Đức sẽ khó tạo ra động lực và cực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh đúng như kỳ vọng của Trung ương và nhân dân thành phố.

Kỳ vọng lớn

Thành phố Thủ Đức có diện tích tự nhiên gần 212km2, dân số hơn 1,2 triệu người, được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức gồm 34 phường.

[Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040]

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức được đánh giá có cơ cấu hạ tầng cơ bản thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tạo ra các sản phẩm mang hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu cốt lõi của thành phố Thủ Đức là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về quy hoạch, thành phố Thủ Đức sẽ có 8 khu vực trọng tâm gồm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Khu công nghệ cao, Khu Đại học Quốc gia, Khu Tam Đa-Long Phước, Khu đô thị Trường Thọ, Khu cảng quốc tế Cát Lái, Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Nơi đây cũng được kỳ vọng sẽ hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ và cung ứng sản phẩm dịch vụ.

Đây còn là môi trường sinh sống, học tập, làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học, lao động có trình độ cao, là địa bàn triển khai đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đáp ứng kỳ vọng đó, ngay từ đầu năm 2021 lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều quyết định trong đó có sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ chính sách đối với trường hợp dôi dư khi tổ chức chính quyền đô thị, thành lập thành phố Thủ Đức.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, ủy ban nhân dân quận, ủy ban nhân dân phường, từng bước chuẩn hóa quy chế làm việc của từng cấp, chuẩn hóa tên gọi và số lượng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức.

Trong năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Thủ Đức đạt 10.350 tỷ đồng (đạt 124% so chỉ tiêu).

Tiến độ thực hiện giải ngân các công trình đạt 96,43%, có 4.092 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 62.255 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là 41.320 doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021 thành phố Thủ Đức đã hoàn thành việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ chính sách đối với 47 trường hợp là công chức, người lao động.

Năm 2022, thành phố Thủ Đức sẽ tiếp tục tổ chức, sắp xếp, bố trí đối với 182 trường hợp còn lại.

Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức đã chủ động trong công tác rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với phẩm chất, năng lực và tiêu chuẩn, điều kiện vị trí công tác mới, kịp thời phục vụ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình mới.

Về công tác quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết hiện nay do Thành phố Hồ Chí Minh đang lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060 nên đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đang được tiến hành song song, dự kiến năm 2022 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức tầm nhìn đến năm 2040.

Cần chính sách đặc thù

Đánh giá sau một năm thành lập và hoạt động thành phố Thủ Đức, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, cho biết Thành phố Thủ Đức hoạt động vẫn giống như đơn vị hành chính cấp quận, huyện trước đây. Vì thế cần có một chương trong Luật Tổ chức chính quyền đô thị quy định tổ chức, hoạt động “thành phố trong thành phố,” điều này không chỉ cho thành phố Thủ Đức mà còn cho mô hình thành phố thuộc thành phố ở nhiều địa phương khác.

Tạo cơ chế đột phá để thành phố Thủ Đức phát triển xứng tầm ảnh 2Đường Phạm Văn Đồng, một trong nững tuyến trục chính kết nối thành phố Thủ Đức với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Dưới góc độ chuyên gia, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng chính quyền thành phố Thủ Đức vẫn chưa thật sự có khuôn khổ pháp lý phù hợp để chủ động tổ chức triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát và kiểm tra của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương.

Hiện nay, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong số đó tập trung vào những nội dung lớn như mô hình đô thị, vấn đề phân cấp phân quyền, giải pháp huy động tối đa nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc trong phân cấp phân quyền cho thành phố Thủ Đức…

“Trong khi chờ cơ chế chính sách mang tính đột phá, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức ở mức cao hơn so với các quận, huyện để phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành. Trong đó tập trung vào việc phân cấp về thẩm quyền quyết định đầu tư, công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, đấu giá đất công, đấu thầu dịch vụ công, gỡ bỏ các hạn chế về điều kiện gia nhập thị trường cho doanh nghiệp,” ông Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng thực hiễn hoạt động của thành phố Thủ Đức đang đặt ra việc Thành phố Hồ Chí Minh cần xin Trung ương thí điểm về 3 cơ chế cho thành phố Thủ Đức gồm thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thẩm quyền trong quản lý đầu tư lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường; thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính công.

“Thành phố Thủ Đức là mô hình 'thành phố trong thành phố' lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp và được triển khai vào thực tiễn cuộc sống. Yêu cầu đặt ra đối với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức là cần kiến nghị Trung ương thông qua một Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Thủ Đức với những nội dung liên quan đến cơ chế, phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Việc thí điểm cho thành phố Thủ Đức không chỉ có ý nghĩa đối với đô thị này mà có thể áp dụng cho các đô thị khác trên phạm vi cả nước,” ông Trần Du Lịch nêu quan điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục