Tạo cơ chế để Thủ đô huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực

Chính phủ đề nghị nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong tổng mức vay, bội chi ngân sách thành phố hằng năm.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Nâng mức dư nợ vay từ 70% lên 90%

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 63 nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi hơn trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

[Hà Nội xây dựng kịch bản "3 thời điểm" phát triển sản xuất kinh doanh]

Theo dự thảo Nghị định, Chính phủ đề nghị nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong tổng mức vay, bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay từ 70% (theo Nghị định số 63/NĐ-CP) lên 90% bảo đảm cho thành phố Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư công của thành phố giai đoạn 2016-2020 khoảng 300 nghìn tỷ đồng, trong khi thành phố chỉ cân đối ngân sách được 105 nghìn tỷ đồng nên việc huy động vốn đầu tư phát triển tập trung cho các dự án trọng điểm là hết sức cần thiết.

Mặt khác, việc tăng mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công cả nước, mức vay, bội chi ngân sách của thành phố hằng năm được tổng hợp trong tổng mức vay và bội chi ngân sách được Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng mức dư nợ vay 90% theo Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban đồng ý với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội lên 90% để bảo đảm tương đồng với cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội, nhằm tạo dư địa cho Thủ đô có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp và các dự án ODA về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đã được chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho địa phương vay lại.

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức dư nợ vay của ngân sách thành phố là 70% như quy định hiện hành. Vì với tỷ lệ 70% theo Nghị định 63/2017/NĐ-CP là đã cao hơn mức quy định của Luật Ngân sách nhà nước là 60%. Mặt khác, trên thực tế, tính đến ngày 31/12/2019 thì dư nợ vay của thành phố mới đạt khoảng 12% mức dư nợ cho phép (11,4 nghìn tỷ đồng/71,4 nghìn tỷ đồng).

Cân nhắc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ

Một nội dung khác mà Chính phủ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến phân cấp, phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố. Theo đó, Chính phủ đề nghị cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định dự toán chi ngân sách thành phố lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, căn cứ vào yêu cầu thực tế nhiệm vụ kinh tế-xã hội của Thủ đô, phù hợp mức độ xã hội hóa đối với các lĩnh vực này trên địa bàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ mức bố trí 2% cho khoa học công nghệ, 20% cho giáo dục và đào tạo tính trong tổng thể chi ngân sách quốc gia; còn mức bố trí cho từng địa phương trong thực tế có thể cao hoặc thấp hơn.

Khách hàng lựa chọn mua sắm tại Siêu thị Hapro Thành Công. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hiện nay, dự toán chi cho khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo do Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ vào dự toán được Quốc hội quyết định để quyết định dự toán ngân sách của mình, trong đó, chi cho khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo không thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định. Như vậy là đã bảo đảm tính chủ động của địa phương, không cần thiết quy định nội dung này như dự thảo.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện quy trình lập, quyết định dự toán ngân sách hằng năm để sát với thực tế của địa phương, bảo đảm tổng chi ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực này trong phạm vi cả nước bảo đảm tỷ lệ như quy định,” Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của thành phố để bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho rằng  thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Đề án cải cách tiền lương mới từ tháng 7/2021 để thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương về cải cách tiền lương. Vì vậy, tại thời điểm này không nên xem xét, điều chỉnh các chính sách tiền lương hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, từ ngày 1/1/2021, chính sách tiền lương sẽ thống nhất toàn quốc trong hệ thống chính trị, những nơi thí điểm cũng chỉ đến ngày 31/12/2020. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc đưa vấn đề này trong dự thảo Nghị định.

Về thẩm quyền quy định, nhiều ý kiến cho rằng, căn cứ vào khoản 2 Điều 74 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Thủ đô Hà Nội được thực hiện cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được giao thẩm quyền cho ý kiến về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng-an ninh, đối ngoại và một số cơ chế đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

Tuy nhiên, những nội dung Chính phủ trình sửa đổi Nghị định hiện nay đều nằm ngoài quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô. Vì vậy, để bảo đảm đúng thẩm quyền và phù hợp với việc áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại Tờ trình và dự thảo Nghị quyết mà trong đó thể hiện rõ tên gọi, phạm vi điều chỉnh; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai tại phiên họp tháng 5 trước khi bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Tại phiên họp chiều 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung một số dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục