Tạo cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, đột phá để phát triển Đà Nẵng, Nghệ An

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét thông qua hai dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét thông qua hai dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Tạo bước đột phá để Đà Nẵng, Nghệ An phát triển nhanh, bền vững

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng nêu rõ qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, Đà Nẵng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của Ủy ban Nhân dân quận, phường; liên thông cán bộ và biên chế công chức phường; thẩm quyền của Hội đồng nhân dân quận, phường.

Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa.

Từ thực tiễn trên, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể. Có 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đưa ra 19 chính sách thuộc 4 nhóm lĩnh vực. Trong đó, nhóm quản lý tài chính-ngân sách có 5 chính sách; nhóm quản lý đầu tư có 7 chính sách; nhóm quản lý đô thị, tài nguyên rừng có 2 chính sách; nhóm tổ chức bộ máy và biên chế có 5 chính sách.

ttxvn_thuong vu quoc hoi 2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và có hiệu lực từ năm 2022, bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách trên chưa bảo đảm để thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An trong bối cảnh mới, đặc biệt là để thực hiện được thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Trong các báo cáo thẩm tra hai dự thảo Nghị quyết, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đồng tình với sự cần thiết của việc trình Quốc hội xem xét thông qua các Nghị quyết.

Về dự thảo Nghị quyết đối với Đà Nẵng, liên quan đến thí điểm thành lập khu thương mại tự do, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy đây là chủ trương lớn, cần thiết, đã được quy định tại Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị song đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ trong Dự thảo Nghị quyết về một số nội dung như khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; chính sách phát triển và quản lý nhà nước; phương án phát triển Khu thương mại tự do...

Liên quan đến đề xuất xây dựng trung tâm tài chính tại Đà Nẵng, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị không quy định về vấn đề này, vì chủ trương phát triển Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng cần được đặt trong tổng thể Đề án chung và được cấp có thẩm quyền cho ý kiến, bảo đảm đúng thẩm quyền.

Về dự thảo Nghị quyết đối với tỉnh Nghệ An, cơ quan thẩm tra cho rằng phạm vi chính sách được đề xuất bổ sung là khá nhiều, trên nhiều lĩnh vực. Một số chính sách mới, có tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đến đời sống kinh tế - xã hội, quan hệ đối ngoại và chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành.

Để có căn cứ vững chắc cho việc xem xét, quyết định, cơ quan thẩm tra đề nghị cần đánh giá tác động cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, nhất là đối với các chính sách tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước, đến nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách và chi tiết hơn về kết quả đầu ra.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện được nội dung "trọng tâm, trọng điểm" mà cơ chế đặc thù cần hướng tới. Bên cạnh đó, cần đề xuất sửa đổi những quy định đang triển khai có vướng mắc, tạo căn cứ pháp lý khơi thông nguồn lực.

Tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc

Thảo luận về hai dự thảo Nghị quyết, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Cho ý kiến cụ thể về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Đà Nẵng trong thời gian qua đã phát triển, làm tốt nhiều việc, nếu có thêm những cơ chế chính sách đặc thù sẽ tiếp tục và phát triển thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và bền vững ở miền Trung nói riêng, cả nước nói chung.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý chính sách đặc thù mới cần tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đang cản trở, qua đó khơi thông nguồn lực phát triển của thành phố Đà Nẵng, song tuyệt đối không hướng đến hợp thức hóa là những sai phạm.

ttxvn_thuong vu quoc hoi 3.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ ủng hộ đề xuất thí điểm khu thương mại tự do, và cho biết trước đây Hải Phòng có đề nghị nhưng khi đó chưa rõ nội hàm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay đã rõ cơ chế, chính sách, nên cần thiết ủng hộ cho Đà Nẵng thí điểm.

Liên quan đến quy định miễn trừ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình với báo cáo thẩm tra, khi cho rằng việc miễn trừ áp dụng quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm pháp lý về hình sự, dân sự, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này. Do đó, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị bỏ quy định trên và các quy định về miễn trừ trách nhiệm pháp lý của Ủy ban Nhân dân, của cơ quan hướng dẫn kiểm soát quá trình thử nghiệm và tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm.

Cho ý kiến thảo luận về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với hồ sơ chuẩn bị của Chính phủ.

Cho ý kiến cụ thể về dự thảo Nghị quyết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung tổ chức bộ máy đối với thành phố Vinh cần bảo đảm: quy định tăng thêm số lượng bộ máy chính quyền của Hội đồng Nhân dân cho thành phố Vinh phải gắn với việc mở rộng địa giới đơn vị hành chính, phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về nội dung dự thảo quy định Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch; các ý kiến cho rằng Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, đông dân nên cần thiết có thêm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, song đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị, vì vậy, Chính phủ cần báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục