“Nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch để thu hút đầu tư; tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư; giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp...”, là những mục tiêu của Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến, tại Hà Nội, ngày 19/2.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cho biết Luật Đầu tư sửa đổi lần này cần làm rõ năm vấn đề gồm khái niệm nhà đầu tư nước ngoài; thủ tục thành lập doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài; thủ tục góp vốn mua cổ phần; sự cần thiết trong thủ tục đầu tư và tích hợp thủ tục để thực hiện một cửa liên thông.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, Luật đầu tư sửa đổi lần này phù hợp trong bối cảnh các địa phương, các doanh nghiệp cần vốn đầu tư nước ngoài. Ngay cả PVN cũng đang đẩy mạnh kêu gọi vốn của nước ngoài trong các hoạt động kinh doanh hiện nay. Một vấn đề thấy rằng khá nổi cộm là góp vốn của nước ngoài vào công ty, nhà đầu tư nước ngoài đang rất lung túng trong việc phải làm thủ tục về đăng ký doanh nghiệp hay chứng nhận đầu tư.
"Trong dự thảo có đề xuất liên quan vấn đề này. Tôi cho rằng, đây là hướng rất hợp lý, để giảm thiểu thủ tục liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế họ rất băn khoăn khi có hợp đồng mua bán doanh nghiệp xong, liệu họ có phải làm chứng nhận đăng ký đầu tư không?” đại diện PVN cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Trà, đại diện một Công ty Luật cho biết, hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài lúng túng vì mua cổ phần dưới 49% thì có phải xin giấy chứng nhận đầu tư hay không? Giấy chứng nhận đó cấp cho nhà đầu tư nước ngoài hay cho doanh nghiệp? Do đó, trong Luật cần phải có quy định rõ ràng.
Để đảm bảo tính ổn định, công bằng, dự thảo quy định không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong trường hợp pháp luật thay đổi, các ưu đãi với nhà đầu tư sẽ được duy trì. Các quy định về lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư được sửa đổi theo hướng ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới; các dự án đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao...
Bên cạnh đó, cơ chế một cửa cũng được thiết lập để giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án Luật Đầu tư sửa đổi được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội để lấy ý kiến, thông qua.
Dự luật bao gồm 10 chương và 77 điều Luật đầu tư ban hành năm 2005 là bước tiến quan trọng của luật liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam. Luật áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp đầu tư và mọi thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, sau hơn tám năm triển khai thi hành, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như lĩnh vực và địa bàn đầu tư hiện nay còn dàn trải, thiếu tính thống nhất và kém hiệu quả. Các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư còn thiếu tính minh bạch, thiếu khả thi và đồng bộ, chưa tạo lập được mặt bằng pháp lý bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, luật hiện hành cũng chưa có cơ chế để đảm bảo thực hiện nhất quán và hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Các quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, giải quyết./.