Với phương châm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời gắn với cải cách hành chính, từng bước đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số một cách hiệu quả.
Công tác chuyển đổi số ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt được những kết quả bước đầu, khẳng định hướng đi đúng, lộ trình triển khai hợp lý, tạo đà cho những bước tiếp theo, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kết quả thiết thực
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Qua hai năm (2021-2022) thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, 100% huyện, thị xã, thành phố đã có kế hoạch chuyển đổi số với các nội dung, chỉ tiêu và thời gian hoàn thành cụ thể theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh. Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã được kiện toàn và đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ.
Bộ phận một cửa các cấp đã thực hiện niêm yết công khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận bằng bản giấy hoặc trên hệ thống máy tính, thực hiện việc nhắn tin thông báo tình trạng hồ sơ, phối hợp với Bưu điện tỉnh công bố danh mục thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức “họp không giấy” tại các kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh, đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh, trợ lý ảo phục vụ lãnh đạo tra cứu các dữ liệu và trợ lý ảo giải đáp tự động các dịch vụ công...
[Bà Rịa Vũng Tàu: Tạo bứt phá từ chương trình chuyển đổi số]
Tính đến giữa tháng 11/2022, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh đạt 92,7% (vượt chỉ tiêu đề ra gần 8%), tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử đạt 64%.
Cùng với đó, 4 chợ ở thành phố Vũng Tàu đã triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 thực hiện hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, được chủ các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng đồng tình hưởng ứng.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết góp phần thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, đặc sản, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 100% thông tin, hình ảnh của các sản phẩm được gắn sao OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) lên sàn thương mại điện tử, tạo gần 24.600 tài khoản dữ liệu số và gian hàng thương mại điện tử, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường.
Tương tự, đại diện Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã tích cực tìm hiểu, ứng dụng các sản phẩm công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận chào bán các sản phẩm trên các trang như Booking, Traveloka..., góp phần chuyển đổi số một cách hiệu quả, khẳng định thương hiệu của địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước, trong đó thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giới thiệu, chào bán các điểm đến, sản phẩm du lịch, ngày 29/11, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức khai mạc hội chợ du lịch trực tuyến của tỉnh năm 2022, với sự tham gia của trên 400 doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, điểm đến nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng sản phẩm đặc sản... Trước đó, từ năm 2021, đơn vị đã tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và cho ra mắt sàn thương mại điện tử du lịch tại địa chỉ www.dulichbariavungtau.com, góp phần phục hồi hoạt động du lịch hiệu quả, nhanh chóng ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Mang lại nhiều tiện ích
Hệ thống hạ tầng được hoàn thiện, việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang đem lại ngày càng nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, ở phường 8, thành phố Vũng Tàu chia sẻ dù đã lớn tuổi, không thành thạo công nghệ thông tin, nhưng khi có nhu cầu làm thủ tục trích lục giấy khai sinh, bà đã nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ rất kịp thời của đoàn viên thanh niên thành phố Vũng Tàu để tải được các biểu mẫu, điền tờ khai thông tin và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, khi đến nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa thành phố Vũng Tàu tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Còn ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết hợp tác xã chuyên trồng bưởi với quy mô lớn, vùng trồng đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap (thực hành nông nghiệp tốt), sản phẩm bưởi da xanh Sông Xoài cũng chuẩn bị được công nhận là sản phẩm OCOP và được cấp mã số vùng trồng.
Do đó, các thành viên hợp tác xã đều nhận thấy chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp là rất cần thiết, mang lại nhiều tiện ích. Hiện nay, nhờ thực hiện chuyển đổi số, nhiều thông tin được cập nhật kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành nông nghiệp tỉnh.
Sản phẩm của hợp tác xã có thể tham gia sàn thương mại điện tử, nông dân sản xuất cũng nhanh chóng nhận được rất nhiều thông tin hữu ích liên quan đến kỹ thuật trồng trọt, giá cả thị trường nông sản, yêu cầu của từng thị trường khác nhau, thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm hay tìm hiểu, học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả ở khắp mọi nơi.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ một tiệm bánh ngọt trên đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu chia sẻ, là một hộ kinh doanh, việc chuyển đổi số, mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt là những nội dung chị quan tâm tìm hiểu.
Thời gian qua, chị đã được chính quyền thành phố Vũng Tàu tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế số gắn với văn minh thương mại. Tự hào là người dân thành phố du lịch, chị luôn khuyến khích du khách và người dân thành phố khi đến mua hàng thanh toán không dùng tiền mặt mà thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Thời gian tới, cửa hàng của chị sẽ trang bị thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt để tạo thuận lợi hơn nữa cho người mua hàng và cho việc quản lý, kiểm tra doanh số, hoạt động của chính cơ sở kinh doanh./.