Tango trở thành di sản phi vật thể của nhân loại

Ngày 30/9, UNESCO đã chính thức công nhận Tango - loại hình văn hóa bao gồm cả nhạc, vũ đạo và ca từ  là Di sản phi vật thể của nhân loại.
Ngày 30/9, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Tango - loại hình văn hóa bao gồm cả nhạc, vũ đạo và ca từ của Argentina và Uruguay vào Danh mục Di sản phi vật thể của nhân loại.

Trong trang web chính thức, UNESCO tuyên bố: "Truyền thống Tango của Argentina và Uruguay, mà ngày nay đã được cả thế giới biết tới, ra đời tại hạ lưu dòng Sông Bạc (Río de la Plata) trong lòng các tầng lớp bình dân của hai thành phố Buenos Aires và Montevideo".

Ra đời từ nửa cuối thế kỷ XIX, là kết quả trực tiếp của sự giao thoa văn hóa giữa làn sóng người nhập cư ồ ạt (chủ yếu từ châu Âu) với cộng đồng Mỹ Latinh và gốc Phi định cư trước đó tại các thành phố cảng dọc bờ Sông Bạc, ban đầu Tango bị các tầng lớp thượng lưu và Nhà thờ Thiên chúa chối bỏ và ngăn cấm do bắt nguồn và phát triển trong lòng các khu phố nghèo có nhiều tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, hình thức văn hóa bình dân này đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt và lan tỏa khắp mọi tầng lớp xã hội tại nhiều nước Nam Mỹ, cũng như một số quốc gia châu Âu. Thập kỷ 40 của thế kỷ trước được coi là giai đoạn hoàng kim của Tango với một thế hệ nhạc sĩ, danh ca tài năng và được cả thế giới biết tới.

Việc chính quyền các thành phố Buenos Aires và Montevideo nộp hồ sơ chung đề nghị UNESCO công nhận Tango là Di sản phi vật thể của nhân loại được coi là giải pháp tốt đẹp cho cuộc tranh cãi thường xuyên và dai dẳng giữa cư dân của hai thủ đô nằm trên hai bờ Sông Bạc và gắn bó mật thiết về nhiều mặt này, xem đâu là cái nôi đích thực của loại hình văn hóa trên.

Cho tới nay, cả hai nước đều coi "La Cumparsita", bản Tango nổi tiếng nhất thế giới do một nhạc sĩ Uruguay soạn nhạc và một nghệ sĩ Argentina viết lời, cũng như "ông hoàng Tango" Carlos Gardel, sinh ra tại Uruguay và trưởng thành tại Argentina, là những biểu tượng văn hóa của nước mình.

Cũng trong đợt này, UNESCO đã công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau của nhiều nước, trong đó có Quan họ Bắc Ninh của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục