Tăng vốn ngân hàng: Áp lực đè nặng trên vai ‘các ông lớn’

Hạn chế về vốn khiến các ngân hàng không chỉ không đáp ứng được quy định về CAR mà còn cản trở hoạt động kinh doanh do phải đáp ứng hàng loạt các quy định khác nữa.
Cả 4 ngân hàng có vốn Nhà nước đều có nhu cầu tăng vốn điều lệ. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Chưa khi nào câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng, đặc biệt là khối ngân hàng có vốn Nhà nước lại trở nên bức thiết như hiện nay, khi mà tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ cả 4 ngân hàng thương mại lớn nhất cùng đồng loạt “kêu cứu”.

Thực ra, câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng để đáp ứng yêu cầu của Basel II vào năm 2020 được đề cập nhiều lần trong 2-3 năm trở lại đây. Nếu các ngân hàng cổ phần tư nhân đã nỗ lực và ghi nhận nhiều thành công thời gian qua, điển hình là hai ngân hàng nhỏ hơn là VIB và OCB đã chạm tới Basel II sớm hơn thời hạn tới một năm thì các ngân hàng lớn ngoại trừ Vietcombank vẫn đang "trầy trật" để tăng vốn.

Hạn chế về vốn khiến các ngân hàng không chỉ không đáp ứng được quy định về CAR mà còn cản trở hoạt động kinh doanh do phải đáp ứng hàng loạt các quy định khác nữa. Chính bởi vậy, trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng nói trên và cả lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đều có mong muốn, khao khát được Nhà nước tạo điều kiện để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và giảm tỷ lệ sở hữu ở Nhà nước xuống thấp hơn mức hiện hành.

Bài 1: Tăng vốn điều lệ: Các ngân hàng đồng loạt ‘kêu cứu’

Kết thúc năm 2018, cả 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều báo lãi cao. Thậm chí, mức lãi Vietcombank còn cao gấp đôi hai ngân hàng phía sau cộng lại. Mặc dù lợi nhuận tăng nhưng các ngân hàng này đều đề nghị tăng vốn vì vốn luôn được xem là sức sống của ngân hàng.

Mỗi nhà mỗi cảnh

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, bên cạnh báo cáo của các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện một số ngân hàng thương mại Nhà nước cũng đã có tham luận báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2018, trong đó một đề xuất được cả 4 “ông lớn” ngân hàng kiến nghị tại hội nghị năm nay và thực tế là cả nhiều năm trước là câu chuyện tăng vốn.

[Năm 2019: Tăng trưởng tín dụng 14%, nợ xấu dưới 2%]

Bức thiết nhất trong việc tăng vốn có lẽ là VietinBank khi mà theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ số CAR của ngân hàng này hiện đang ở sát ngưỡng tối thiểu theo quy định và để không vi phạm quy định, trong quý 4/2018, ngân hàng này đã phải giảm dư nợ cho vay đối với nền kinh tế xuống 26.400 tỷ đồng khiến tăng trưởng tín dụng trong năm qua của ngân hàng này chỉ đạt 6,1%.

Thế nhưng, cái khó hiện nay của VietinBank là đã cạn room cho các nhà đầu tư khác, chứ không riêng gì với các nhà đầu tư nước ngoài khi mà sở hữu Nhà nước tại ngân hàng này hiện chỉ là 64,46%, tức còn thấp hơn yêu cầu nắm giữ tối thiểu của cổ đông nhà nước tại các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 65%.

Tăng vốn cũng đang là yêu cầu bức thiết đặt ra với BIDV khi mà tổng tài sản của ngân hàng này đạt tới gần 1,283 triệu tỷ đồng, song vốn điều lệ mới chỉ đạt gần 34.200 tỷ đồng – thấp nhất trong số 3 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần hóa. Điều thuận lợi là BIDV hiện còn dư địa khá lớn cho các cổ đông nước ngoài khi mà Nhà nước vẫn đang nắm giữ tới 95,28% vốn điều lệ của nhà băng này. Thế nhưng suốt 3 năm nay, BIDV vẫn không thể tăng nổi một đồng vốn điều lệ nào, dù năm nào Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng đề ra từ 3-4 phương án tăng vốn điều lệ nhưng chưa năm nào thực hiện được, dù chỉ là một trong số đó.

Năm 2016, BIDV cùng VietinBank kiến nghị lên cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2015 từ tiền mặt sang cổ phiếu để tăng vốn. Đề xuất này được sự chấp thuận của cơ quan điều hành, nhưng sau đó đã bị Bộ Tài chính phản bác với lý do ngân sách eo hẹp.

Năm 2017, BIDV tiếp tục đề ra một loạt phương án, từ phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, nhưng đến cuối năm, không phương án nào được thực hiện.

Hiện nay, ngân hàng này đã tìm được đối tác chiến lược là ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc phát sinh nên ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV kiến nghị trước mắt tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất.

Vốn điều lệ của Vietcombank, VietinBank và BIDV

Bên cạnh đó, ông Tú cũng kiến nghị, phát triển thị trường chứng khoán như một kênh vốn dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ về áp lực vốn dài hạn với hệ thống ngân hàng.

Còn với Agribank, do chậm cổ phần hóa nên hiện nhà băng này có mức vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm 4 “ông lớn ngành ngân hàng”, chỉ vào khoảng 30.770 tỷ đồng. “Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, đến 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể, điều đó còn ảnh hưởng tới uy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế”, ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nhấn mạnh.

Việc tăng vốn của nhà băng này có lẽ sẽ gắn chặt với tiến trình cổ phần hóa nhưng tiến trình này cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề định giá doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước cuối cùng triển khai cổ phần hóa, nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài sẽ khó khăn.

“Ấm” nhất đến thời điểm này có lẽ là Vietcombank khi năm 2018 đã đạt được lợi nhuận kỷ lục là hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 63% so với 2017.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao quyết định thực hiện chuẩn mực an toàn vốn Basel II trước thời hạn.

Mặc dù vậy, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank vẫn đề nghị được trả cổ tức “bằng cổ phiếu” nhằm tăng vốn điều lệ để đảm bảo hệ số CAR và cũng “xin” cho các ngân hàng thương mại Nhà nước khác được tăng vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp.

Giao dịch tại VietinBank. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Rủi ro hệ thống

Tiếp tục kêu cứu với Chính phủ, người đứng đầu VietinBank phân tích, do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế đang tăng lên rất lớn. Đặc biệt là trong thời gian tới đây khi tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện thì nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cũng tăng lên mạnh mẽ.

“Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, từ đó ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và ảnh và nguồn thu ngân sách Nhà nước do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng,” ông Thọ khẩn thiết.

Ông Thọ kiến nghị, trước mắt ngân hàng mong muốn được chấp thuận được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020 và bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ cho VietinBank, đồng thời cho phép VietinBank thực hiện phương án phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc: Nếu tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ thì VietinBank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu; việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo thống kê, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của khối ngân hàng thương mại Nhà nước là 9,39%, trong khi của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 11,34%. Trong khi đó, 4 ngân hàng có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng khoảng 1/2 tổng tài sản và 40% hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng nên vốn không tăng, thậm chí giảm sẽ đưa cả hệ thống vào rủi ro.

Chính vì vậy, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu không khẩn trương tăng vốn và tình trạng này tiếp tục kéo dài thì rủi ro ngày càng lớn. Nguyên do là vì tuân thủ theo chuẩn mực của Basel II, các ngân hàng sẽ phải hạch toán đúng chi phí, nợ xấu và những khoản vay rủi ro sẽ “ăn” vào vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước, vốn đã thấp sẽ còn thấp hơn.

Ngay cả lãnh đạo của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng nhìn thấy vấn đề rất cấp bách. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, trong ngành tài chính ngân hàng, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên an toàn vốn vẫn là một vấn đề quan ngại.

Ông Hải cho rằng, thiếu vốn là một rủi ro gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng của chính phủ do tín dụng dẫn dắt. Thu hút thêm đầu tư vốn, đặc biệt là từ những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách, như cải thiện chất lượng và sự minh bạch của sổ sách cũng như những biện pháp đảm bảo vĩ mô để tiếp tục giảm nợ xấu và giải tỏa các tài sản thế chấp./.

Bài 2: Ngân hàng tìm cách tăng vốn: Cái khó ló cái khôn

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục