Tăng tỷ lệ thuốc nội ở tuyến trung ương: 'Ngựa khó phi nước đại'?

Các cơ sở y tế phải kiểm soát việc kê đơn thuốc, trong đó có quy định khuyến khích kê đơn thuốc sản xuất tại Việt Nam, tránh lạm dụng việc kê đơn thuộc nhập khẩu, đắt tiền
Tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tăng lên tại nhiều bệnh viện. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76%, tuyến tỉnh tăng lên 57%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Tuy nhiên, những con số về tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội của Bệnh viện tuyến Trung ương vẫn còn khá khiêm tốn. Năm 2018, qua số liệu báo cáo khảo sát của 31 bệnh viện tuyến Trung ương, tỷ lệ này ở mức 9,3% trong khi Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương.

Thông tin trên được ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đưa ra trong hội nghị Tổng kết Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam,” do Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tuyến tỉnh, huyện: Gam màu sáng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay, những năm qua, các doanh nghiệp dược, các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan thông tin truyền thông cùng chung tay hành động, góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế, tạo nên diện mạo mới của ngành dược Việt Nam. Đặc biệt, thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và được đánh giá cao về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

[Thanh toán chi phí chữa bệnh bảo hiểm y tế theo giá dịch vụ y tế]

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện. Để tiến tới các mục tiêu trên, Bộ Y tế đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản: về cơ chế chính sách; giải pháp đối với cơ sở y tế và thầy thuốc; giải pháp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc; giải pháp về truyền thông.

Theo báo cáo, năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76%, tuyến tỉnh tăng lên 57%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. 

Nhiều tỉnh đã triển khai và đạt được tỷ lệ sử dụng thuốc nội cao. Điển hình như giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên trong hệ thống khám chữa bệnh công lập chiếm tỷ lệ từ 83% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018).

Theo báo cáo của các Sở Y tế Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Long An, các địa phương này có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 70% - 76% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.

Ở tuyến Trung ương, nhiều bệnh viện đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao như Bệnh viện Trung ương 71 Thanh Hóa, Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa… với tỷ lệ từ 30% đến 52% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị sử dụng trong năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tâm lý sính “hàng ngoại” và cơ chế tự chủ

Báo cáo kết quả triển khai Đề án “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam” được đại diện Cục quản lý dược đưa ra tại hội nghị cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc của Bệnh viện tuyến Trung ương năm 2018 so với năm 2017 chỉ tăng có 0,42% (từ mức 8,93 lên 9,35%).

Theo Cục trưởng Cục quản lý Dược, giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong các bệnh viện tuyến Trung ương có tăng đều qua các năm. Số liệu báo cáo các năm từ 2015-2018 của 31 bệnh viện (số bệnh viện khảo sát ít hơn giai đoạn trước) nhưng giá trị sử dụng thuốc trong nước tăng hơn so với số liệu của báo cáo của 36 bệnh viện năm 2013-2014. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ thì giai đoạn 2016-2018 giảm so với giai đoạn 2013-2015 nhưng trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước có xu hướng tăng trở lại (từ 8,81% lên 9,35%) - tăng 0,54%.

Về tỷ lệ sử dụng thuốc của Bệnh viện tuyến Trung ương trong ba năm gần đây tăng ở mức khá khiêm tốn: năm 2017 tăng so với 2016 là 0,12% (từ 8,81% lên 8,93%), năm 2018 tăng so với năm 2017 là 0,42% (mức 9,35% - năm 2018). Trong khi mục tiêu của đề án đề ra đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến trung ương là 22%. Như vậy trong 2 năm (2019 đến năm 2020), để đạt được tỷ lệ đặt ra theo mục tiêu của đề án, thì mức tăng đối với tuyến trung ương là 12,65%.

Nói về những nguyên nhân của các hạn chế khiến việc sử dụng thuốc nội tại nhiều cơ sở y tế chưa đạt được như mong muốn, mục tiêu đề ra, nhất là tại các bệnh viện tuyến trung ương, ông Vũ Tuấn Cường cho hay, một số Sở Y tế, Bệnh viện chưa thực sự đánh giá vai trò và những tác động tích cực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nói chung và việc triển khai Đề án của ngành y tế nói riêng.

Một số bệnh viện Trung ương do đặc thù riêng là tuyến cuối (thuốc sử dụng đều là thuốc chuyên khoa sâu như: gây mê, hồi sức, tim mạch, chống thải ghép hoặc các kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn bệnh viện hoặc shock nhiễm trùng, thuốc chống ung thư... và phần lớn các thuốc trong nhóm này lại chưa sản xuất được ở trong nước) nên tỷ lệ sử dụng thuốc theo giá trị của thuốc sản xuất trong nước thấp, chỉ dưới 10% như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức.

“Đặc biệt, một nguyên nhân nữa là do các bệnh viện dần tự chủ tài chính (nhiều bệnh viện đã tự chủ 100%) dẫn đến việc cần đáp ứng sự hài lòng của người bệnh để thu hút bệnh nhân. Chính vì vậy việc lựa chọn thuốc cũng thay đổi để đáp ứng tâm lý sính 'hàng ngoại' của một bộ phận không nhỏ người dân,” Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết.

Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền, truyền thông tại một số địa phương còn hạn chế dẫn đến một bộ phận người dân và cán bộ y tế chưa hoàn toàn tin tưởng chất lượng thuốc Việt Nam, chưa thay đổi được tâm lý thích sử dụng thuốc ngoại, đặc biệt các thuốc biệt dược gốc.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng lại yếu trong các khâu marketing và quảng cáo, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần bổ sung tiêu chí tăng tỷ lệ thuốc sản xuất tại Việt Nam/tổng giá trị tiền sử dụng thuốc hàng năm của bệnh viện vào Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế kiểm soát việc kê đơn thuốc, trong đó có quy định khuyến khích kê đơn thuốc sản xuất tại Việt Nam, tránh lạm dụng việc kê đơn thuộc nhập khẩu, đắt tiền…/.

Số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Việt Nam đã sản xuất được 12/13 loại vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S.

Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục