Tăng tuổi nghỉ hưu: Lựa chọn lộ trình nào cho phù hợp?

Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Giao lưu trực tuyến với chủ đề về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với chủ đề “Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp,” buổi giao lưu trực tuyến do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và báo Nhân dân tổ chức ngày 21/5 tại Hà Nội đã giải đáp những băn khoăn về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, thời gian cụ thể bắt đầu áp dụng lộ trình này, quyền nghỉ hưu và những quy định nào để tạo điều kiện để người lao động thực hiện quyền này…

Tìm lộ trình phù hợp

Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng chỉ rõ: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung."

Theo tinh thần này, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phù hợp quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, bảo đảm góp phần ổn định chính trị - xã hội.

[Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021: Chọn lộ trình 10 năm hay 15 năm?]

Liên quan đến quy định về tuổi nghỉ hưu, theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung.

Việc điều chỉnh cần có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp. Đặc biệt, phương án phải không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn…

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, việc điều chỉnh cần được tiến hành theo lộ trình vì hai lý do.

“Lý do thứ nhất là việc điều chỉnh là nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động. Chúng ta đặt giả thiết là một nước có quy mô dân số tương tự như Việt Nam, mỗi năm có khoảng 400.000 người bước vào độ tuổi lao động. Như vậy nếu chúng ta nâng độ tuổi nghỉ hưu nhanh, tăng một năm, thêm một tuổi chẳng hạn, thì lập tức sẽ có 400.000 người cho dù làm việc ở khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân, vẫn tiếp tục làm việc thêm một năm. Điều này đồng nghĩa với 400.000 người khác sẽ phải ngồi chờ thêm một năm. Như vậy sau hai năm, con số này sẽ tăng lên 800.000-900.000 người ‘ngồi chờ.’ Điều này sẽ gây sự ‘tắc nghẽn’ rất lớn trong thị trường lao động,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Theo ông Diệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất theo lộ trình, mỗi năm chỉ tăng ba tháng tuổi, như vậy “dòng chảy” của thị trường lao động sẽ chậm lại đôi chút, chứ không gây “tắc nghẽn.”

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, lý do thứ hai là việc điều chỉnh theo lộ trình sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho tâm lý xã hội, đối với người lao động, cũng như người sử dụng lao động.

“Chắc chắn tâm lý người lao động sẽ không muốn làm việc quá lâu và đóng bảo hiểm xã hội lâu dài. Người lao động thường muốn nghỉ hưu hoặc tham gia các hoạt động kinh tế khác để có thêm thu nhập. Khi đó, họ đồng thời có hai nguồn thu nhập là tiền lương hưu từ bảo hiểm xã hội và số tiền nhận được từ các hoạt động khác của họ. Đây là tâm lý chung của tất cả người lao động thuộc các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Việc điều chỉnh theo lộ trình thì cũng tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động,” ông Diệp nói.

Tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi tăng

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến 31/12/2018 có hơn 2,5 triệu người đang hưởng lương hưu. Trong đó, hơn 700.000 người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước và khoảng gần 1,8 triệu người hưởng lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Theo ông Được, những năm gần đây, tỷ lệ những người nghỉ hưu đúng tuổi có được cải thiện. Năm 2017 có đến 64% số người hưởng lương hưu đúng tuổi. Đến năm 2018, tỷ lệ này đã tăng lên 70% số người hưởng lương hưu đúng tuổi.

Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi), từ năm 2021, có người phụ nữ nghỉ hưu ở 55 tuổi 3 tháng, đến năm 2036 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60, năm 2029 có người đàn ông đầu tiên về hưu ở độ tuổi 62. Tuy nhiên, việc điều chỉnh vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của những người lao động trực tiếp sản xuất.

Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng nhấn mạnh, việc tăng tuổi nghỉ hưu thường phải nhìn một cách tổng thể ở lợi ích quốc gia và có thể xử lý bằng nhiều cách. Còn nếu như để lấy ý kiến của đối tượng trực tiếp là người lao động thì chắc chắn không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác cũng không có việc đồng thuận trong việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Dẫn chứng về ý kiến của lao động trực tiếp sản xuất, ông Lê Đình Quảng cho biết công đoàn cơ sở của một công ty sản xuất linh kiện ở khu công nghiệp Thăng Long tiến hành khảo sát bằng phiếu thăm dò, đưa ra 400 phiếu thì chỉ có 2/400 phiếu đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi và có 5/400 phiếu đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi. Điều đó cho thấy rằng, người lao động mong muốn không tăng tuổi nghỉ hưu.

“Rõ ràng đối với người lao động trực tiếp thuộc ngành nghề đặc thù đã khó khăn trong việc bảo đảm công việc khi vào giai đoạn tuổi cao, cho nên nếu tăng tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động này sẽ tăng thêm khó khăn đối với họ,” ông Lê Đình Quảng nói,

Ông Lê Đình Quảng cho rằng, các chính sách về giải quyết việc làm, đào tạo nghề chuyển đổi công việc, an sinh xã hội cần được xem xét, điều chỉnh một cách tổng thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tăng tuổi nghỉ hưu./.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện làm việc bình thường từ năm 2021. Lộ trình này sẽ thực hiện dần dần, cho tới lúc nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Có hai phương án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo Bộ luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục