Tăng trưởng xuất khẩu tháng 8 tháng cũng giúp cho cán cân thương mại sau 8 tháng xuất siêu đạt 20,2 tỷ USD. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 9/9, tại Hà Nội.
Doanh nghiệp nội phục hồi
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Hải cho biết kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 7. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp xuất khẩu đánh dấu mức tăng trưởng.
Cụ thể hơn, theo ông, xuất khẩu tháng 5 tăng 4,3% so với tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 0,8% so với tháng 6; tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước.
Đáng chú ý, việc xuất khẩu trong khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD (tăng 8,7% so với tháng trước), trong khu vực FDI bao gồm cả dầu thô xuất khẩu đạt 23,94 tỷ USD (tăng 7,3%).
[Nhóm hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu Việt Nam có tín hiệu khởi sắc]
Cùng đó, nhiều mặt hàng chủ lực cũng lấy đà tăng trưởng, trong đó, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,7%, đạt 5,5 tỷ USD; hàng dệt may tăng 1%, đạt 3,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4,6%, đạt 3,7 tỷ USD; giày dép tăng 3,3%, đạt 1,85 tỷ USD còn điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 16,8%, đạt 5,2 tỷ USD.
Về nguyên nhân phục hồi, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì từ tháng 4 đến nay, nhất là tháng 8 vừa qua ghi nhận hàng tồn kho ở các nước mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm.
Đơn cử như thị trường Mỹ (6 tháng đầu năm tỷ lệ tồn kho ở mức đến 20%, nhưng đến tháng 8 chỉ còn 10%, dự đoán đến cuối năm 2023 tiệm cận về mức 0), từ thực tế này theo ông Hải, đây là cơ hội hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Ngoài ra, về mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng 8: máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ và các sản phẩm về gỗ.
Dự báo từ nay đến cuối năm, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, dù đã có nhiều tín hiện tích cực song dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó lường. Cụ thể, lạm phát đã chững lại song vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước; tình hình địa chính trị vẫn phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả nguyên vật liệu đầu vào…
“Hy vọng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu có thể phục hồi khi các doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu tốt, cũng như rất chủ động, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rất chủ động trong việc tìm kiếm các thị trường mới, phát huy tốt các hiệp định thương mại thế hệ mới,” ông nói.
Tập trung giải pháp để đạt tăng trưởng 6%
Các địa phương có các doanh nghiệp FDI theo báo cáo sẽ có xu hướng xuất khẩu tốt hơn. Đặc biệt là các sản phẩm mới để xuất khẩu cho mùa cuối năm như Samsung chuẩn bị đưa ra nhiều sản phẩm mới để phục vụ xuất khẩu…
"Căn cứ vào các kết quả nêu trên thì mục tiêu đạt 6% kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2022 dù khó khăn nhưng với sự chủ động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp rất tin tưởng vào kết quả khả quan từ nay đến cuối năm," ông Hải nói.
Để làm được việc này, ông cho rằng cần nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm chi phí, giúp các doanh nghiệp có thêm động lực đển xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đại diện cơ quan tại nước ngoài để đẩy mạnh công tác phát triên thị trường, xúc tiến thương mại… đặc biệt tại các nước chúng ta có kim ngạch xuất khẩu lớn. Hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các lợi thế trong các hiệp định thương mại FTA.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết thêm, để tạo động lực tăng trưởng những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, giúp doanh nghiệp tận dụng thời cơ để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo, khôi phục chuỗi cung ứng; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ. Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia./.