Tăng trưởng Xanh: ‘Thước đo’ để doanh nghiệp đứng vững trong chuỗi cung ứng

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn Xanh mới phát sinh là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Xanh do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/11. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Xanh do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/11. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính Xanh” của chuỗi cung ứng.

Đây là ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến Xuất khẩu Xanh” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 24/11, tại Hà Nội.

“Luật chơi” mới về thương mại và đầu tư

Theo tiến sỹ Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá Quốc tế về Báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UBFCCC), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) giúp các quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu tốt hơn, cam kết tốt hơn nhưng đặc biệt là đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với hàng hóa vào châu Âu.

Có 6 ngành hàng bị tác động bởi cơ chế này, bao gồm xi măng, điện, phân bón, sắt và thép, nhôm, hóa chất. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng bị ảnh hưởng mà có một số hàng hóa cụ thể trong các nhóm hàng trên khi xuất khẩu sang EU phải chị sự tác động của cơ chế này.

Nhấn mạnh thêm về 2 ngành chịu ảnh hưởng nhiều hơn là sắt thép và phân bón, ông Nam cho rằng với CBAM, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu thêm một số thủ tục hành chính về hoạt động xuất nhập khẩu, song về lâu dài khi đáp ứng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh các ngành hàng này và có thể đem lại giá trị thặng dư nhiều hơn cho các sản phẩm của Việt Nam.

Chuyên gia này cũng đề xuất không chỉ đáp ứng cơ chế CBAM mà tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam phải đánh giá hiện trạng phát thải, trên cơ sở đó có giải pháp giảm lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm Xanh cho xuất khẩu.

sxthep.jpeg
Ngành thép của Việt Nam có thể bị tác động bởi CBAM. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy trong 9 tháng năm 2023, tiêu thụ của các doanh nghiệp thành viên đạt 13,869 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 1,434 triệu tấn, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, kể từ năm 2004-10/2023, đã có 73 các vụ việc nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam thông tin thêm quy mô sản xuất thép mở rộng kể từ năm 2015 và đạt kỷ lục hoạt động năm 2021. Sản lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu đến trên 30 quốc gia. Vận hành kỹ thuật, phát thải khí nhà kính tiếp cận trình độ thế giới.

Song theo ông, điểm yếu là công nghệ thiết bị đan xen giữa quy mô nhỏ, lạc hậu làm tiêu hao năng lượng cao và công nghệ hiện đại với quy mô lớn; liên kết chuỗi cung ứng hạn chế; hạ tầng logistics thiếu.

“Nếu đến 2050, Việt Nam sản xuất 51 triệu tấn thép sẽ phát thải khoảng 105,7 triệu tấn carbon tương đương, vượt so với Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu đối với các quá trình công nghiệp. Vì thế, đây là một thách thức và cũng là trách nhiệm rất lớn của ngành thép Việt Nam,” ông Đinh Quốc Thái cho hay.

Tuân thủ để không bị loại khỏi cuộc chơi

Theo đánh giá của các chuyên gia, các chính sách kinh tế tuần hoàn của EU và nhiều chính sách khác sẽ tác động đến quy trình sản xuất nguyên liệu và sơ chế, bao gồm quy trình sản xuất ở các nước thứ ba như Việt Nam. Đơn cử, các chính sách chính ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu và sơ chế gồm: Quy định về ắc quy; Chỉ thị khung thiết kế sinh thái; Chỉ thị dán nhãn năng lượng; Quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR)…

Bà Bà Mira Nagy, Trưởng hợp phần Dự án hướng tới sự tuần hoàn, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), đánh giá yêu cầu về ESPR tạo ra cơ hội tính phí cho các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Các nhà sản xuất có thể được khuyến khích loại bỏ các nhà cung cấp linh kiện trong nước có quy mô nhỏ hơn do yêu cầu về thông tin ngày càng tăng cao như thông qua Hộ chiếu điện tử của sản phẩm, hàng hóa (DPP).

Tuy vậy, theo đại diện GIZ, cách tiếp cận mới đòi hỏi phải chủ động hơn và có quyền sở hữu cao hơn từ phía doanh nghiệp. Ngoài ra, rủi ro “sự tuân thủ” được chuyển xuống chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp quy mô nhỏ sẽ yếu thế hơn. Bên cạnh đó, không thể một mình giảm thiểu các rủi ro đã xác định và nền kinh tế tuần hoàn cần có sự hợp tác theo chuỗi giá trị.

Từ lập luận nêu trên, đại diện GIZ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí hoạt động, giải quyết nguồn cung mất ổn định và tăng giá hàng hóa; cải thiện khả năng cạnh tranh; tạo nguồn thu nhập mới và tiếp cận thị trường mới đồng thời tăng cường cải thiện mối quan hệ với khách hàng, người lao động và chuỗi cung ứng.

Ông Clement Graf, Giám đốc toàn cầu, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thuỵ Sỹ (Sippo), thông tin thêm bản chất thực sự của các quy định, yêu cầu mới về Thỏa thuận Xanh châu Âu đầu tiên là trách nhiệm giải trình, các nhà nhập khẩu/nhà sản xuất ở châu Âu phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong chuỗi giá trị cũng như nhà nhập khẩu phải biết, hiểu, sát hơn với nhà cung cấp của họ để từ đó tạo dựng lòng tin, cùng xây dựng quan hệ bạn hàng tin cậy với các nhà cung cấp.

Do đó, các doanh nghiệp cần hành động với mục tiêu, bước đi rõ ràng cũng như xác định rõ vai trò của các bên, phân chia trách nhiệm rõ ràng; phát triển, xây dựng năng lực của các tác nhân khác nhau trong hệ sinh thái.

IMG_3327.JPG
Ông Clement Graf, Giám đốc toàn cầu, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thuỵ Sỹ (Sippo) phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thực tế hiện nay, Tăng trưởng Xanh, Phát triển Xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách Tăng trưởng Xanh châu Âu, Thỏa thuận Xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

“Chính vì vậy, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới 'tính Xanh' của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường,” ông Hải nhấn mạnh.

Trên thực tế, Việt Nam là một trong các quốc gia có những cam kết mạnh mẽ về môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cam kết tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với Chuyển đổi Xanh và Chuyển đổi Số, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính xu thế của thời đại, vừa hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có nền ngoại thương phát triển, nói cách khác nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngoại thương. Vì vậy, việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn Xanh mới phát sinh, là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu về Chuyển đổi Xanh, CBAM hay kinh doanh có trách nhiệm để một mặt doanh nghiệp tiếp cận được các yêu cầu mới đồng thời tận dụng nhanh những cơ hội mang lại từ những quy định mới này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai một loạt các chương trình với sự phối hợp nâng cao năng lực hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là liên quan tới 6 ngành mà CBAM đề cấp tới.

“Với mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sản xuất, bộ sẽ cung cấp những chương trình hỗ trợ kỹ thuật đối với doanh nghiệp, đặc biệt ở góc độ xúc tiến xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hệ thống thương vụ ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới, hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận Xanh, kinh tế tuần hoàn… cho các ngành sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu,” ông Vũ Bá Phú cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục