Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng chậm lại và xuống dưới mức 7% lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, làm tăng sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách ở nước này trong việc triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ trước những lo ngại cho rằng sự giảm tốc này tác động tới giới đầu tư.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã và đang nỗ lực trấn an và tái bảo đảm với các thị trường trên toàn cầu về việc nước này có thể kiểm soát "thể trạng" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi bất ngờ điều chỉnh hạ giá đồng nội tệ và việc thị trường chứng khoán nước này chao đảo trong mùa Hè vừa qua đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ "hạ cánh cứng" của kinh tế Trung Quốc.
Tuy vậy, Chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng nền kinh tế nước này đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn sau nhiều thập niên tăng trưởng mạnh.
Theo kết quả thăm dò ý kiến của 50 nhà kinh tế vừa do hãng tin Reuters tiến hành, tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc trong quý 3/2015 có thể chậm lại còn 6,8%, thấp hơn mức tăng 7% trong quý 2/2015.
Trước hình hình trên, các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư China International Capital Corp (CICC) dự đoán Chính phủ Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng cường chi tiêu ngân sách để ứng phó với tình trạng giảm tốc.
Họ tin rằng chính sách tiền tệ nới lỏng có thể làm dịu bớt đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, nhưng khó có thể đảo ngược xu hướng này trong dài hạn./.