Tăng trưởng tín dụng: Kỳ vọng phục hồi khi bình thường mới

Phó Thống đốc cho biết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu không chỉ trung, dài hạn mà ngay trước mắt.
Tăng trưởng tín dụng: Kỳ vọng phục hồi khi bình thường mới ảnh 1Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tín dụng tháng Chín đã ghi nhận ở mức tăng trưởng âm khi dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 23.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tính đến ngày 7/10, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng 7,42% so với cuối năm ngoái.

Với tình hình hiện nay, khi mà hầu hết các địa phương đã nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục sản xuất nên có lý do để kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục đạt kết quả tích cực trong quý 4 này.

Liệu có gây đột phá về cuối năm?

Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm "room" tín dụng, tùy thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất. Một số ngân hàng, hạn mức tín dụng được cấp lên đến trên 17%. Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa cấp vốn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt vào mùa cao điểm tín dụng cuối năm.

Cụ thể, một số ngân hàng thương mại đã được nới "room" tín dụng từ 3,5% đến gần 7%, điển hình là Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) vừa được nới "room" tín dụng lên lần lượt 17,4%, 17,1% và 16%. Những tổ chức tín dụng này đều có tài chính lành mạnh và phương án cho vay sản xuất kinh doanh.

Có tỷ trong cho vay lớn nên hạn mức tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã được nới từ 10,5% lên 12,5%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết toàn bộ "room" tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng thêm, ngân hàng này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh nhằm phát triển sản xuất kinh doanh.

[Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Dòng vốn vẫn chảy đều vào nền kinh tế]

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết tình hình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được phủ rộng hơn đã tạo điều kiện cho các chính sách giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, từ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ dần nối lại và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, kéo theo nhu cầu vay vốn cũng sẽ tăng mạnh trở lại.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT sửa đổi Thông tư 01 và Thông tư 03, trong đó thay đổi quan trọng nhất là cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022.

Cơ chế này bên cạnh việc hỗ trợ phần nào cho hoạt động của các doanh nghiệp, sẽ tiếp tục đẩy số dư nợ tái cơ cấu của các ngân hàng gia tăng nhiều hơn, từ đó cũng có thể ảnh hưởng lên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ nay tới cuối năm, mục tiêu tăng trưởng còn hơn 4,5%. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng cả năm 12% cũng tùy vào tình hình thực tế của nền kinh tế.

"Nếu lạm phát ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới thêm trần tín tín dụng cho các ngân hàng để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp," ông Tú nói.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp năm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng cao. Ngành ngân hàng thành phố cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu vốn, bảo đảm cung ứng đủ vốn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo ông Minh, trong quý 4 này, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng nhằm chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Vẫn cần kiểm soát chặt

Một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, để quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp rất cần vốn thời điểm này nhưng sức khỏe tài chính của họ lại bị suy giảm trầm trọng nên ngân hàng còn e dè khi giải ngân, một số doanh nghiệp thì chỉ có thể vay ngắn hạn. Ngoài ra cũng có doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, không có đơn hàng xuất khẩu… nên cũng không được các ngân hàng thương mại giải ngân vốn. Theo đó, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là làm sao có thể tiếp cận được tín dụng.

Cũng có doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng nên hạ chuẩn tín dụng trong một thời gian nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Để các ngân hàng thương mại cổ phần có thể làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước nên gỡ khó về tỷ lệ an toàn vốn như giữ nguyên hệ số rủi ro với khoản vay lĩnh vực rủi ro cao, nhưng giảm hệ số rủi ro với khoản vay khác.

Tăng trưởng tín dụng: Kỳ vọng phục hồi khi bình thường mới ảnh 2

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cần kiểm soát chặt các khoản tín dụng được giải ngân trong thời gian tới, để tránh tình trạng tăng trưởng tín dụng ảo, không thực chất và cũng nên kiểm soát tốt câu chuyện cho vay để đảo nợ sẽ mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng chính sách tín dụng rất có ý nghĩa với doanh nghiệp. Việc được giảm phí, lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã giúp giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tạo nguồn tiền cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

"Cần nhìn nhận rằng bản thân mỗi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Ngân hàng cũng có nhu cầu cho vay nhưng phải tin cậy, phải thu hồi được nợ để hoạt động một cách bền vững. Ngân hàng Nhà nước với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, vừa phải tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhưng cũng cần đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng," ông Tuấn nói.

Về vấn đề này cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng nếu nền kinh tế cần nhưng không đặt ra vấn đề hạ điều kiện, tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng để bảo đảm an toàn.

"Tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, không chỉ trung, dài hạn mà ngay tại nợ xấu trước mắt. Dễ dãi với tín dụng hôm nay có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt cho tương lai," Phó thống đốc nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục