Tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm và đến ngày 20/2 đã tăng 1,23% so với cuối năm 2017, cao hơn mức tăng 0,33% của cùng kỳ năm 2017. Đây được cho là mức tăng vừa phải, không đột biến, các ngân hàng đã kiểm soát tốt dòng tiền.
Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống dự kiến từ 16-17%, thấp hơn con số 18,17% đã đạt được năm 2017. Trước mắt giao ở mức độ vừa phải 13-15% tùy khả năng từng các tổ chức tín dụng làm sao không tăng đột biến để tăng đều các tháng trong năm để đảm bảo đối tượng đầu tư phục vụ cho sản xuất tạo sản phẩm cho xã hội.
Để tìm hiểu kỹ hơn về những định hướng trong năm nay đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng, phóng viên Vietnamplus đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết tình hình tín dụng trong những tháng đầu năm?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tính đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt gần 2%. Đây là mức tăng vừa phải, không đột biến, các ngân hàng cũng kiểm soát tốt dòng tiền. Có những năm tín dụng tăng đột biến đầu năm là do dư địa tín dụng từ năm trước bị hết dồn vào đầu năm. Năm nay không diễn ra như vậy.
Điều đấy chứng tỏ các tổ chức tín dụng hoàn thành đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong năm mà không phải để dành cho năm sau. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với tăng trưởng tín dụng của toàn ngành.
[Yêu cầu ngân hàng tập trung vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh]
Chúng tôi kỳ vọng năm nay tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ đảm bảo yêu cầu quan trọng nhất là dòng vốn tín dụng đầu tư đúng đối tượng lĩnh vực ưu tiên tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt đây là năm triển khai Luậthỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Nhà nước đang đợi Chính phủ ban hành Thông tư hướng dẫn để làm sao Luật hỗ trợ này đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có đà phát triển được.
Bên cạnh đó, vẫn tập trung lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục là địa chỉ quan trọng để dòng chảy tín dụng hướng tới.
Trong năm nay Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn cũng sẽ được sửa đổi theo hướng cho vay theo chuỗi và được quy định rất rõ cụ thể các điều kiện, thủ tục mà còn vướng mắc trước đây thì sẽ được tháo gỡ.
- Vậy Ngân hàng Nhà nước giám sát dòng tiền ra sao để đảm bảo vốn chảy đúng địa chỉ, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng phải chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Những nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng tín dụng được khẳng định trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Chỉ thị số 01 và nay ban hành thêm văn bản 563 trên cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm đến quản lý dòng vốn cho vay.
Tinh thần chung là định hướng dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất, nếu tổ chức tín dụng nào tập trung cho vay vào những lĩnh vực ngoài lĩnh vực ưu tiên mà vượt lên, sau khi rà soát tổ chức tín dụng nào có dấu hiệu vượt khung sẽ bị tuýt còi cảnh báo ngay.
Bên cạnh đó vụ chức năng trong đó có vụ tín dụng có trách nhiệm tham mưu rà soát trong quá trình quản lý thực hiện cảnh báo. Nếu không thực hiện cơ quan thanh tra giám sát sẽ vào cuộc. Đầu tư vào thế có đúng hay không vì làm gì cũng phải tuân thủ theo luật. Cho vay theo cơ chế thị trường nhưng theo định hướng đưa ra chỉ tiêu để kiểm soát tầm vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên phải định hướng vào đầu tư.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng là căn cứ vào nguồn vốn huy động, tiềm lực tài chính, hệ số an toàn vốn… ngân hàng muốn cho vay nhiều mà không đủ nguồn huy động, không đảm bảo các chỉ số an toàn... thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cảnh báo ngay.
Nói như vậy, không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước không cho phép các tổ chức tín dụng cho vay vào các lĩnh vực như bất động sản, BT, BOT. Những dự án nào hiệu quả, phương án kinh doanh khả thi vẫn được các tổ chức tín dụng cho vay vốn. Ở đây với vai trò là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra cảnh báo sớm để ngăn chặn rủi ro cho các tổ chức tín dụng nói riêng, toàn hệ thống nói chung. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tín dụng nhưng không lơ là kiểm soát rủi ro.
- Vì sao Ngân hàng Nhà nước khống chế tín dụng tăng thấp từ đầu năm, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Đầu tiên xác định là phải kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, trong năm qua dư nợ tín dụng tăng 18% nếu trừ Sam Sung đi thì còn chỉ hơn 17%, như vậy tốc độ tăng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát giữ giá trị đồng tiền. Chính vì vậy năm nay không chỉ vì thế mà đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng cao. Mục đích cuối cùng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng như năm ngoái, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước tính toán cẩn thận lượng tiền ra - vào để đưa ra chỉ tiêu tổ chức tín dụng, đảm bảo mục tiêu xuyên suốt trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã rất kiên định trong điều hành tín dụng, mở rộng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả. Do vậy, tuy tín dụng trong năm 2017 tăng hơn 18% nhưng đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra, đạt 6,81%.
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức tương đương năm ngoái nên Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tín dụng như năm qua, trừ khi có đột biến nào đó xảy ra. Quả thực, muốn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đồng thời có được tăng trưởng cao cực kỳ khó. Do vậy, năm ngoái 2017 tăng trưởng tín dụng đạt hơn 18% là một thành công rất lớn, vừa đủ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vừa đỡ tạo áp lực cho điều hành chính sách trong năm 2018.
Tinh thần chung của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục định hướng dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất. Đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nếu tổ chức tín dụng nào tập trung cho vay vượt quy định, với trách nhiệm tham mưu rà soát, trong quá trình quản lý, Vụ Tín dụng sẽ thực hiện cảnh báo các tổ chức tín dụng. Nếu đơn vị nào đó không thực hiện, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ vào cuộc…
- Xin cảm ơn ông!