Tính đến ngày 24/9, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 1/10.
Cụ thể, theo ông Hùng, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; xuất khẩu tăng 13,2%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.
Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội... cũng được các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro như bất động sản, các dự án BOT... được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như tập trung đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay thu mua lúa gạo cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ lúa Đông Xuân năm 2019, các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo.
Các tổ chức tín dụng cấp hạn mức tín dụng hơn 24.000 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay gần 17.000 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua gần 2,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân. Các ngân hàng đang tiếp tục bám sát diễn biến vụ lúa Hè Thu để đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa cho bà con nông dân.
Ông Hùng đánh giá ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Được biết, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế./.
Ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ về tăng trưởng tín dụng: