Theo thống kê của Bộ Công Thương, hết quý 1, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, nhiều tỉnh vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, một số tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao là Hải Phòng tăng 11,3%; Đà Nẵng tăng 10,5%; Quảng Nam tăng 8,9%; Đồng Nai tăng 7,1%...
Tính chung quý 1, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,2% - mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước.
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), trong quý 1, sản xuất của một số lĩnh vực then chốt đã có dấu hiệu phục hồi. Những sản phẩm công nghiệp chế biến có chỉ số sản xuất tăng cao trên 10% chủ yếu vẫn thuộc ngành hàng linh kiện điện tử, thủy sản, dệt may, sản xuất da, giày dép, môtô, máy biến thế, dây cáp điện, đóng tàu và cấu kiện nổi... Đây là xu hướng tích cực bởi sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến là một biểu hiện tích cực về phát triển công nghiệp.
Tuy nhiên, tại hai đầu tầu kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mức tăng trưởng của sản xuất công nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng, lần lượt 3,6% và 4,9%.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mức tăng của chỉ số IIP của thành phố quý 1 tăng cao so với cùng kỳ 2013 và có xu hướng tích cực là tháng sau cao hơn tháng trước, song tốc độ này còn thấp so với tiềm năng của thành phố. Nguyên nhân là do sức mua nội địa dù có tăng nhưng chưa cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản, thủy sản của thành phố cũng như của cả nước vẫn chưa mở rộng được thị trường.
Cơ cấu xuất khẩu hàng công nghiệp đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu khai khoáng có xu hướng giảm, như than giảm 25,4%, dầu thô giảm 8,3%; trong khi xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến tăng cao, đóng góp lớn vào tổng mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng chế biến tăng trưởng cao nhất với 17,6%.
Tỷ trọng của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Cụ thể, so với tỷ trọng của quý 1/2013, trong quý 1/2014, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến đã tăng từ 68,5% lên 70,6%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm từ 8,7% xuống còn 7,0%; nhóm hàng nông, lâm sản giảm từ 15,8% xuống còn 14,8%.
Một dấu hiệu đáng mừng khác cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới là chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2014 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện và công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải cùng tăng 2,9%...
Ngoài ra, hoạt động sản xuất 3 tháng đầu năm của một số ngành như dệt may, da giày tương đối thuận lợi, thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đang hồi phục và có mức tăng trưởng hơn năm trước. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý 3, thậm chí cho cả năm đối với các doanh nghiệp ngành dệt may và đến tháng Tám đối với các doanh nghiệp da giày.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định và có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, hoạt động của ngành phân bón, hóa chất lại gặp nhiều khó khăn.
Tiến sỹ Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), cho biết hết quý 1, tất cả các chỉ số từ doanh thu, sản xuất, xuất khẩu của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) đều không đạt so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng của Vinachem tồn kho nhiều, đặc biệt là urê còn khoảng 96.000 tấn và PVN còn khoảng 100.000 tấn.
Nhận định về sản xuất công nghiệp những tháng tới, ông Nguyễn Tiến Vỵ cho rằng tình hình sẽ khả quan hơn với các yếu tố như các doanh nghiệp trong nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. Bước vào mùa Hè, nhiều sản phẩm như sản xuất điện, sản xuất hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống... mức tiêu thụ tăng dẫn đến sản xuất sẽ tăng.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước bắt đầu phát huy tác dụng cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của thị trường vật liệu xây dựng, sắt thép, ximăng, đá, cát sỏi... Đặc biệt, nhóm hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử có đơn hàng ổn định trong quý 2, 3, thậm chí là hết năm sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang yêu cầu đối với sản xuất công nghiệp, các đơn vị trong ngành công thương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, khuyến khích tiêu dùng, đẩy nhanh việc tiêu thụ hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững.
Đặc biệt, các đơn vị tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm nay.
Đối với việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2014, Thứ trưởng Lê Dương Quang chỉ đạo EVN cần tích cực phối hợp với PVN, TKV và các nhà sản xuất điện khác nhằm huy động tối đa công suất các nhà máy điện. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, tiềm năng như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... và khai thác thị trường xuất khẩu mới ở Tây Á.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực tham gia đàm phán các hiệp thương mại tự do để tạo thị trường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, mặc dù nền kinh tế đã có nhiều điểm sáng, song nhìn chung tổng cầu trong nước vẫn còn yếu, chưa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa./.