Tăng trưởng chậm, nhà mạng than về OTT

Tăng trưởng năm 2013 chậm, nhà mạng lại "than thở" về OTT

Sự bùng nổ của OTT làm xói mòn doanh thu và buộc nhà mạng phải tìm đến các phương thức kinh doanh mới có lợi hơn cho người dùng.
Tăng trưởng năm 2013 chậm, nhà mạng lại "than thở" về OTT ảnh 1Các dịch vụ OTT phổ biến ở Việt Nam như Viber, Zalo đang làm "xói mòn doanh thu" của nhà mạng. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, năm 2013 tốc độ tăng trưởng của viễn thông chậm lại. Một phần trong những bước cản của viễn thông chính là dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí trên Internet (OTT).

Xói mòn doanh thu

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 vừa qua của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hùng cho hay năm 2013, Viettel cũng đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đề ra, doanh thu ước thực hiện được 162.886 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 15,2% so năm 2012.

Ông Hùng nhận định, đây là năm thứ ba liên tiếp tốc độ tăng trưởng viễn thông chậm lại, sự tăng trưởng trong năm 2013 của Viettel chậm hơn khoảng 2-3 lần so với những năm trước.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Trần Mạnh Hùng, doanh thu tập đoàn này đạt 119.000 tỷ đồng, bằng 102,53% so với 2012.

Lợi nhuận trong năm 2013 của VNPT tăng 4.000 tỷ đồng so với năm 2012. Tuy nhiên, trong đó có 1.000 tỷ đồng là do tiết kiệm, 500 tỷ đồng là điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước đối với việc hạch toán doanh thu giữa các đơn vị trong VNPT, 1.500 tỷ đồng lãi từ dịch vụ di động...

Bản thân “gà đẻ trứng vàng” trong tổng doanh thu của VNPT trong năm 2013 là lĩnh vực viễn thông di động cũng gặp rất nhiều khó khăn. VinaPhone có tốc độ tăng trưởng 8% trong khi doanh thu của MobiFone không đáng kể.

Cuộc cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường viễn thông đã “cướp” đi của tập đoàn này 11,3 triệu thuê bao điện thoại. Trong đó, thuê bao cố định là 500.000, thuê bao di động là 10,8 triệu. Tổng số thuê bao điện thoại (phát sinh cước) trên mạng đến cuối năm 2013 đạt 40,4 triệu thuê bao và chỉ bằng 78% so với cuối năm 2012.

Trong khi đó, Viettel có tăng trưởng về thuê bao di động, song cũng chỉ đạt được 1,61 triệu thuê bao. Còn điện thoại cố định giảm 273.300 thuê bao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, doanh thu của Viettel tăng trưởng chậm lại chính là bởi sự khó khăn của nền kinh tế, bão hòa của dịch vụ điện thoại di động, suy giảm của điện thoại cố định. Một trong những vật cản lớn chính là sự phát triển của các dịch vụ mới, trong đó có OTT đang làm xói mòn doanh thu của nhà mạng.

Hợp tác?

Trên thực tế, trong năm 2013, câu chuyện giữa OTT và nhà mạng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Điều này khiến Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải ra Chỉ thị, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và OTT phải nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình hợp tác.

Về phía cơ quan quản lý, Cục Viễn thông cần nghiên cứu tình hình phát triển công nghệ, dịch vụ mới, đặc biệt là OTT để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dịch vụ viễn thông trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ, hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp.

Nhận định về tương lai, lãnh đạo Viettel cho rằng viễn thông đã đến lúc phải phải chuyển từ thoại, nhắn tin sang đến đa dạng các dịch vụ. Năm 2014, Viettel sẽ hướng tới việc dịch vụ thoại, nhắn tin chỉ còn chiếm 40% trong tổng doanh thu. Nhà mạng này sẽ chuyển từ di động sang di động băng rộng, đầu tư vào băng thông rộng cố định cáp quang, chuyển từ dịch vụ thoại sang data…

Trong công bố chiến lược của Viettel, ông Hùng cho biết các “ông lớn” viễn thông bắt buộc phải học một bài học hợp tác làm ăn với hàng nghìn “ông nhỏ” như OTT để chia sẻ những giá trị, ăn chia doanh thu với họ bởi đó là lối thoát cho nhà mạng.

Tại Ngày Internet Việt Nam hồi đầu tháng 12/2013, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG (sở hữu OTT Zalo) nhận định, thị trường Internet đã đủ lớn để các doanh nghiệp nội dung, dịch vụ và hạ tầng “bắt tay,” thu hút cộng đồng người dùng Internet để từ đó chia sẻ doanh thu.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel thì cho biết, bản thân các nhà mạng cũng đang tìm kiếm những phương thức để có thể chung sống hòa bình với dịch vụ OTT. Việc hợp tác không nhất thiết là phải có những hình thái cụ thể như gói cước OTT chuyên dụng hay cùng hùn vốn quảng cáo cho một ứng dụng nào đó. Và, thực tế thì hai bên vẫn đang gặp gỡ để bàn về hình thức hợp tác mới…

Nhưng, đến bao giờ để một hợp tác được ký kết, đem lại giá trị cho người dùng, lợi ích cho doanh nghiệp thì có lẽ vẫn còn phải đợi.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục