Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng biến động lớn do COVID-19

Theo SSI, nếu COVID-19 được kiểm soát vào cuối quý 2, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng sẽ tăng trưởng ở mức 7,2%/năm. Song, dịch bệnh kết thúc vào cuối năm, mức tăng trưởng là 0,8%/năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo tài chính quý 2, nhìn chung kết quả kinh doanh của khối ngân hàng không mấy khả quan, nguyên nhân được chỉ ra là do ảnh hưởng từ tình hình COVID-19 ngày càng phức tạp kể từ tháng Ba.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI tính toán tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh tại hầu hết các ngân hàng trong quý 1 là không lớn, ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.

Song, sang quý 2 các khoản thu nhập từ lãi, phí và thu hồi nợ xấu của khối ngân hàng sẽ giảm xuống khi thực hiện đáp ứng các nhu cầu của khách hàng thông qua việc cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại

Báo cáo của SSI cũng đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với các ngân hàng mà so với các dự báo trước đó.

Cụ thể, với kịch bản cơ sở cho rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý 2 và kịch bản xấu nhất là đến cuối năm 2020, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tương ứng 7,2%/năm và 0,8%/năm.

[Các ngân hàng tiếp tục dành nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ khách hàng]

“Sự khác biệt giữa kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất sẽ rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2021. Chúng tôi dự đoán vào thời điểm đó tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ cao hơn và nợ xấu gia tăng có thể bắt nguồn từ giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu,” ông Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư-SSI chia sẻ.

Theo báo cáo từ Tổng cục thống kê, tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam ghi nhận trong quý 1 với mức tăng trưởng khá khiêm tốn là 0,68%/năm.

Thống kê của SSI cũng chỉ ra đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019, thời điểm đó tăng trưởng tín dụng dao động từ 1,25% tới 2,81%.

Trên thị trường, mức tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng VCB, CTG, BID, MBB và ACB đang dần chậm lại. Và, ông Phương lý giải điều này có thể xuất phát từ việc các ngân hàng này trở nên thận trọng trong việc giải ngân các khoản vay mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.

Song ở một diễn biến khác, các ngân hàng VPB, HDB và TPB đã phá bỏ khuôn mẫu và bùng nổ tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ cao khoảng 4,8% với VPB; 5% tại HDB (tính đến hết tháng 2) vả 9% với TPB (tính đến hết tháng 3).

Cụ thể, các ngân hàng VPB và TPB chủ yếu tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp trong khi ngân hàng HDB tăng trưởng tín dụng cao từ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp đã được ký trước đó (cuối năm 2019).

Về tín dụng tiêu dùng, các chuyên gia của SSI tính toán sự ảnh hưởng của COVID-19 sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, nhu cầu vay từ các khách hàng phân khúc bình dân và thu nhập thấp vẫn còn nhằm đáp ứng phí chi trả sinh hoạt. Với giai đoạn 2 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đạt đỉnh, về mặt lý thuyết, thu nhập của phân khúc khách hàng bình dân sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, do đó khả năng trả nợ của nhóm khách hàng này sẽ giảm nhanh.

(Nguồn: SSI)

Ảnh hưởng từ nhóm khách hàng tổ chức

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, ngày 13/3-Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Theo đó, các ngân hàng đã thực hiện mở rộng các gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng lại công bố gói vay tín dụng hỗ trợ riêng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Sau đó, cuộc họp của Chính phủ với đại diện của 20 ngân hàng đã đi đến thống nhất ngành sẽ mở rộng gói vay tín dụng hỗ trợ bổ sung cho khách hàng vì tính chất cấp thiết đối với tình hình hiện tại. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ cung cấp cho các ngân hàng các hình thức hỗ trợ khác nhau, bao gồm cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm 50% phí giao dịch liên ngân hàng (Thông tư 04/2020) và gia hạn thời gian nộp thuế (dự thảo sửa đổi Nghị định được đang đề xuất). Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đã được yêu cầu không chi trả cổ tức bằng tiền mặt nhằm giữ lại thu nhập từ năm trước để hỗ trợ nền kinh tế.

Về quan điểm đầu tư, nhóm chuyên gia cho rằng các ngân hàng ACB và VCB hiện đang có chiến lược thận trọng để vượt qua đại dịch đồng thời sở hữu chất lượng tài sản tốt trong số các ngân hàng. Từ đó, họ kỳ vọng hai ngân hàng này sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong giai đoạn khó khăn này.

Trên thực tế, ngân hàng ACB đang nắm giữ danh mục trái phiếu Chính phủ tích lũy trong những năm gần đây và điều này cho phép họ có thể vay từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi. Lợi ích khác với các nhà đầu tư là ngân hàng này có sự linh hoạt hơn khi có thể bán các trái phiếu này và ghi nhận lợi nhuận.

Bên cạnh đó, VCB với vị thế đầu ngành cũng sẽ mang lại cho ngân hàng này nhiều cơ hội kinh doanh hơn để gia tăng lợi nhuận và thu nhập từ phí.

“Chúng tôi tin rằng những ngân hàng này sẽ ít bị ảnh hưởng nhất từ nợ xấu hình thành khi kịch bản xấu nhất xảy ra, từ năm 2021,” ông Phương chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục