Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 30/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2019 diễn ra mạnh mẽ, mô hình tăng trưởng bước đầu có những chuyển biến tích cực.
Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN 4 dần được thu hẹp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đang được tiến hành theo yêu cầu đặt ra. Nhiều nỗ lực chính sách tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được thực hiện, hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong 67 mục tiêu đặt ra đến năm 2020, đến nay có 27 mục tiêu hoàn thành (chiếm 40,3%), 23 mục tiêu có khả năng hoàn thành (chiếm 35,8%) và 17 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành (chiếm 23,9%).
Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, cơ cấu lại nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
Cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, từ đó chưa thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Mô hình tăng trưởng mặc dù có thay đổi nhưng còn chậm so với yêu cầu và chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cấp chuỗi giá trị theo hướng ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm hơn so với kế hoạch.
“Các nguồn lực của nền kinh tế, đặc biệt là lao động, vốn và tài nguyên, chưa được dịch chuyển mạnh đến các ngành và khu vực kinh tế có năng suất lao động và hiệu quả cao hơn,” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo triển khai chủ trương, chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chưa cao; thể chế, chính sách liên quan chưa hoàn thiện, còn nhiều chồng chéo nhưng chưa được sửa đổi kịp thời; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
[Giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm liền không đạt kế hoạch]
Về định hướng chỉ đạo cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng trong năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2016-2020 và đề ra giải pháp cho giai đoạn 2021-2025; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế là điều kiện cần để kịp thời tận dụng các cơ hội, tạo tiền đề chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2020, các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải được xác định là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động ban hành các giải pháp, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Đối với các mục tiêu không có khả năng hoàn thành, các bộ, ngành, địa phương chủ động báo cáo và đề xuất với Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời.
Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các nhóm nhiệm vụ có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nhóm nhiệm vụ có tiến độ triển khai chậm hoặc cần có giải pháp thúc đẩy, bao gồm: xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021-2030, hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại các ngành, phát triển kinh tế vùng và đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước…
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng GDP được cải thiện đáng kể, bình quân đạt khoảng 6,73%/năm, cao hơn bình quân của giai đoạn 2011-2015 (khoảng 5,91%); chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn này đạt 44,46%, vượt mục tiêu đề ra (30-35%), cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015; năng suất lao động tăng đều qua các năm, tốc độ tăng bình quân đạt 5,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), đạt mục tiêu đề ra là tăng trên 5,5%.
Hiệu quả đầu tư được nâng lên, nền kinh tế đang tăng trưởng cao hơn với sự hao phí nguồn lực thấp hơn. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,97 năm 2018; năm 2019 ước tính đạt 6,07…/.