Tăng trưởng kinh tế của Indonesia chỉ đạt 2,97% trong quý 1/2020, thấp hơn mức 5,07% vào cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2001, trong bối cảnh tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình và đầu tư chậm lại do tác động của đại dịch COVID-19.
Ngày 5/5, ông Suhariyanto, Giám đốc Cơ quan Thống kê trung ương Indonesia (BPS), nhấn mạnh rằng tăng trưởng quý 1 thấp hơn so với nhiều dự báo khi tình trạng không chắc chắn đang bủa vây nền kinh tế.
Tuy nhiên, tất cả các thành phần kinh tế vẫn tăng trưởng bất chấp các hoạt động chậm lại do đại dịch COVID-19.
Trước đó, Chính phủ cho rằng kinh tế sẽ tăng trưởng 4,5-4,7% trong quý đầu tiên của năm nay, trong khi Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng thêm 4,3%.
[Indonesia dùng vòi rồng trấn áp những người vi phạm quy định phong tỏa]
Khảo sát của hãng tin Bloomberg cũng dự báo tăng trưởng quý 1 của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ đạt 4%.
Kết quả của quý 1 phản ánh tác động ban đầu từ sự gián đoạn quy mô lớn của nền kinh tế Indonesia, trong bối cảnh Chính phủ nước này kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, khiến hành loạt doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa và người tiêu dùng phải ở nhà.
Tính đến nay, có 4 tỉnh cùng 22 huyện và thành phố trên khắp Indonesia, trong đó có thủ đô Jakarta, đã áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB).
Chi tiêu hộ gia đình - vốn chiếm hơn một nửa GDP của Indonesia - chỉ tăng 2,84% trong quý 1, thấp hơn nhiều so với mức 5,01% vào cùng kỳ năm 2019, với việc doanh số bán xe ôtô và bán lẻ sụt giảm khi người dân tăng chi tiêu cho chăm sóc y tế.
Trong khi đó, đầu tư chỉ tăng 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 5,03% được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, bất chấp đại dịch, giá trị xuất khẩu tăng 0,24%, so với mức giảm 1,58% của cùng kỳ năm 2019, trong khi nhập khẩu giảm 2,19%, thấp hơn mức giảm 7,47% vào quý 1 năm ngoái.
Chi tiêu chính phủ tăng 3,74%, thấp hơn mức 5,22% vào cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh chính quyền quyết định ngừng các chuyến công tác và tổ chức các sự kiện nhằm tập trung ngân sách cho cuộc chiến chống COVID-19.
Trong quý 1, Chính phủ đã phân bổ 436.100 tỷ rupiah (28,9 tỷ USD), chủ yếu cho lĩnh vực y tế, mạng lưới an sinh xã hội và các ưu đãi thuế cho hầu hết các thành phần kinh tế, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng phó với các tác động của đại dịch.
Theo dự báo được Chính phủ Indonesia công bố hôm 1/4 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể chỉ đạt 2,3% trong năm nay theo kịch bản cơ bản, thậm chí chỉ 0,4% trong kịch bản xấu nhất.
Tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình có khả năng giảm từ mức 5% như trong Dự luật ngân sách nhà nước (APBN) năm 2020 xuống còn 3,22% theo kịch bản cơ bản và 1,6% theo kịch bản xấu.
Tăng trưởng đầu tư cũng có khả năng giảm từ mức 6% theo APBN xuống còn 1,12%, thậm chí sụt giảm 4,22% trong tình huống tồi tệ.
Dự báo tăng trưởng nói trên là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Indonesia từ mức 5,1% xuống còn 2,1% nếu tình hình dịch bệnh ở quốc gia này bắt đầu được cải thiện vào tháng 6 tới.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Indonesia đạt 5,02%, thấp hơn mức mục tiêu đề ra là 5,3% và là mức thấp nhất trong vòng 4 năm.
Trong diễn biến liên quan, sau cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Jokowi, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, Chính phủ nước này đang xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế hậu đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19.
Việc xây dựng chiến lược kinh tế là rất cần thiết để đại dịch không tác động, ảnh hưởng thêm đến các lĩnh vực khác của đất nước.
Kế hoạch xây dựng chiến lược kinh tế được đưa ra, sau khi người đứng đầu Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB) và phụ trách xử lý dịch COVID-19 Doni Monardo báo cáo dịch COVID-19 đã lây lan chậm lại tại một số khu vực, đặc biệt là ở thủ đô Jakarta./.