Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia, tính riêng trong quý 4 năm 2018, nền kinh tế nước này tăng 5,18%, đưa tốc độ tăng trưởng cả năm 2018 đạt 5,17%.
Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua và chủ yếu nhờ vào tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư và chi tiêu của chính phủ, trong đó tiêu dùng hộ gia đình đóng góp 2,74% (tăng 5,05%); đầu tư là 2,17% (tăng 6,67%) và chi tiêu chính phủ 0,38% (tăng 4,3%).
Chánh Văn phòng Cơ quan Thống kê Trung ương Suhariyanto cho biết mức tăng trưởng này được coi là một thành tựu tốt trong bối cảnh áp lực từ những biến động của nền kinh tế toàn cầu gây nhiều ảnh hưởng đến Indonesia, trong đó có việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng thương mại trên thế giới.
[WB dự báo nền kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,2% năm nay]
Bất chấp những bất ổn trên các thị trường tài chính do tình trạng các dòng vốn "chảy" khỏi thị trường Indonesia, thâm hụt ngân sách năm 2018 của Indonesia ước vào khoảng 1,72% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn mức dự tính ban đầu của chính phủ nước này là 2,19% GDP. Đây cũng là mức thâm hụt ngân sách trên GDP thấp nhất kể từ năm 2012.
Trong năm 2018, Indonesia lần đầu tiên kể từ năm 2011 đạt thặng dư ngân sách cơ bản 4.100 tỷ rupiah (khoảng 283,25 triệu USD).
Nhìn chung, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Indonesia vẫn ổn định và chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp. Đứng đầu vẫn là nhóm mặt hàng khoáng sản đạt 22,5 tỷ USD, chiếm 15,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù được cho là mức tăng đáng khích lệ nhưng Indonesia cũng thừa nhận mức tăng trưởng của năm 2018 không đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia. Trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2018, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm ở mức 5,4%./.