Tăng trưởng kinh tế Hậu Giang dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long

GRDP của Hậu Giang ước cả năm 2022 đạt 113,94%; trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 103,82%, khu vực công nghiệp và xây dựng 136,55%, khu vực dịch vụ 108,84%.
Tăng trưởng kinh tế Hậu Giang dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng Cục trưởng, Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sơ bộ 6 tháng đầu năm, ước tính 6 tháng cuối năm và cả năm 2022 thì tỉnh Hậu Giang đứng thứ 1 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4 cả nước.

Cụ thể GRDP của Hậu Giang ước cả năm 2022 đạt 113,94%; trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 103,82%, khu vực công nghiệp và xây dựng 136,55%, khu vực dịch vụ 108,84%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 1-7,33%.

Đặc biệt, khu vực công nghiệp đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay, 143,86%, do sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước đạt tốc độ phát triển 1.086,2%. Từ tháng 1-5 nhà máy chạy thử, sản lượng 5 tháng đầu năm đạt 545,29 triệu kwh. Từ tháng 6 nhà máy chính thức vận hành thương mại. Vì vậy, ước 11 tháng được 2.256,6 triệu Kwh, làm chỉ số IIP bằng 1.083,5% so với cùng kỳ.

Dự tính 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hậu Giang tăng 15,27% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều mức tăng 4,36% của 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ); trong đó ngành chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn, trên 87,77% trong toàn ngành và tăng 11,94% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 983,50% so với cùng kỳ năm trước. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,56% so với cùng kỳ, nên làm chỉ số sản xuất công nghiệp chung của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ.

[Hậu Giang nỗ lực để không bị lỡ nhịp, đón đầu các làn sóng đầu tư]

Ngành sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 18,48% so với cùng kỳ; trong đó một số ngành tăng cao như chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (chiếm tỷ trọng trên 68,22% trong ngành chế biến thực phẩm) tăng 22,65% so với cùng kỳ (nguyên nhân là do Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, doanh nghiệp tuyển thêm lao động, tăng sản lượng sản xuất và ký được nhiều hợp đồng mới từ các nước như Mỹ, Nhật Bản,… nên làm chỉ số sản xuất ngành này tăng so với cùng kỳ); chế biến và bảo quản rau quả tăng 16,58%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 30,49% so với cùng kỳ...

Cùng với đó, ngành sản xuất đồ uống của tỉnh tăng 31,82% so với cùng kỳ, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Masan HG với sản phẩm chính là nước uống có hương vị càphê (Wake up 247), đi vào hoạt động ổn định từ giữa năm 2021 đến nay, sản lượng sản xuất 11 tháng năm 2022 được 61,88 triệu lít, tăng 12,45% so với cùng kỳ.

Và ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan trên địa bàn tỉnh tăng 27,18% so với cùng kỳ. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành này, đóng góp trên 4.471,49 tỷ đồng (theo giá hiện hành) trong 11 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã nhận được những hợp đồng sản xuất giày thể thao có chất lượng cao, làm cho giá trị sản phẩm tăng từ 25% đến 30% so với cùng kỳ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục