Theo số liệu chính thức vừa công bố ngày 14/8, kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong quý 2 chỉ tăng trưởng 0,3%, thấp hơn một chút so với mức tăng 0,4% trong quý 1/2015.
Tăng trưởng kinh tế của Eurozone chậm lại phản ánh việc Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực - không tăng trưởng trong quý 2, sau khi tăng 0,7% trong quý 1.
Bù đắp cho Pháp, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức đã tăng trưởng mạnh hơn, với GDP tăng từ 0,3% lên 0,4%, nhờ xuất khẩu tăng mạnh hơn so với nhập khẩu, khi đồng euro yếu.
Trong số các nền kinh tế lớn của khu vực, Tây Ban Nha là một trong những nước có số liệu tăng trưởng tốt nhất ở mức 1% trong quý 2, trong khi Italy chỉ tăng 0,2%.
Theo các nhà phân tích thuộc Capital Economics, kinh tế Eurozone được hỗ trợ bởi kinh tế Tây Ban Nha và Đức, nhưng Pháp không cho thấy khả năng phục hồi mạnh.
Nhà phân tích Jenifer McKeown cho rằng kinh tế khu vực sẽ tiếp tục tăng chậm lại trong nửa cuối năm nay khi sự hỗ trợ mang tính tạm thời của một đồng euro yếu và giá dầu giảm sẽ yếu dần và thực tế này cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cần phải duy trì và có thể là kéo dài chính sách hỗ trợ.
ECB đã cam kết bơm hơn 1.000 tỷ euro (1.100 tỷ USD) vào nền kinh tế khu vực cho đến tháng 9/2016 để thúc đẩy nhu cầu và tín dụng.
Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ở Eurozone không thay đổi nhiều, với tỷ lệ lạm phát tháng Bảy vẫn là 0,2% và tỷ lệ thất nghiệp tháng Sáu cũng ổn định.
Số liệu lạm phát này còn cách quá xa so với mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra, khiến nhiều người lo ngại bởi nó phản ánh trực tiếp nhu cầu tiêu dùng thấp./.